(HNM) - Có thể khẳng định một điều nghiêm túc rằng, dù ở giai đoạn lịch sử nào thì con người với tư cách con người xã hội và đặc biệt là những
Tự sửa mình đúng ra phải trở thành nếp nghĩ thường nhật, phải được coi như một lẽ thông thường ở mỗi con người kể từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, luôn là một tiêu chí thiết yếu của đạo đức làm người. Ấy vậy mà, có lúc nhiều người lại dị ứng với những người biết sửa mình, coi như đó là hiện tượng lạ. Bởi lẽ, họ ngạc nhiên, thậm chí đặt câu hỏi rất trịch thượng: sao cứ tự giữ mình lại giữa dòng chảy ào ạt của đời sống đang bào mòn những giá trị đạo đức xã hội?
Nhưng, dòng chảy ấy do ai tạo nên? Chẳng lẽ mỗi chúng ta không ai có lỗi trong chuyện ấy? Chẳng lẽ, dòng chảy ấy không có sự góp sức, thậm chí là vô tình của chính ta, khi ta lại luôn coi đấy là chuyện của người khác? Ai đã không còn biết tự nhìn lại mình để mà tu thân, mà làm gương cho con cái, gia đình, bạn bè, đồng chí? Chưa bao giờ, chuyện "vinh thân phì gia" lại nhận được sự tán đồng nhiều như hôm nay từ một bộ phận không nhỏ dân cư (trong số đó có cả không ít người có học), họ luôn ước mơ được gặp mặt, được làm quen với các đại gia, các VIP như một niềm... kiêu hãnh!
Các bậc chính nhân quân tử xưa không ai không phải học Kinh Thi, một tập sách được coi như sách giáo khoa của toàn xã hội, thậm chí là một giáo trình chính trị, luân lý của các bậc nho sĩ.
Bàn về Kinh Thi, Khổng Tử đã từng nói "bất học thi vi dĩ ngôn" (không học Kinh Thi thì không biết nói vậy). Khổng Tử đã đúc kết từ Kinh Thi rằng: "Thi Tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết Tư vô tà" (Kinh Thi có 300 bài, chỉ lấy một lời mà tóm hết là Không nghĩ điều sai trái). Khi lòng ta, tâm ta không nghĩ, không toan tính đến những điều sai trái, mờ ám, bậy bạ, tức ta đã biết phải làm những gì ngay ngắn. Khi bộ não đã không nghĩ những điều sai trái thì nó là kim chỉ nam cho hành vi, cử chỉ, lối sống. Tư vô tà là cái gốc, là lời nhắc nhở, lời răn dạy của các bậc thánh nhân giúp con người giữ đúng đạo làm người, để biết soi mình mà tự sửa mình.
Nhưng, đôi khi trong cuộc sống thực tế, có những tình huống khiến cho con người vô tình mà mắc lỗi; để rồi nếu còn sự liêm sỉ, con người phải biết xấu hổ với chính mình, bởi người biết xấu hổ mới biết sửa chữa lỗi lầm. Mạnh Tử đã từng nói: Biết xấu hổ đối với con người rất quan trọng. Với các bậc chính nhân quân tử xưa, người biết xấu hổ được coi ngang hàng với các bậc thánh hiền.
Do không tự thấy xấu hổ, rồi không biết cất lời xin lỗi nên họ luôn quyết giành cho mình cơ hội vượt lên người khác bằng mọi giá. Đâu đó trên các diễn đàn đang tràn lan những lời hoa mỹ mà người nói ra những lời ấy lại ít khi xem lại họ đã sống và làm việc thế nào. Có những người luôn tự cao đến mức coi mình luôn đúng trong mọi trường hợp.
Như đã nói về chuyện tự sửa mình: biết xấu hổ là điều cần có đầu tiên để sửa lỗi. Tuy nhiên, sau sự xấu hổ ấy, để sửa được mình phải biết sợ sự thật và lẽ phải. Khi ta hành động, nếu ta tự cho mình luôn đúng, mà điều ấy là đúng thật, ta sẽ làm được điều tốt. Nhưng có khi ta làm sai rồi, ta biết mình sai rồi mà vẫn cố tình phủ nhận cái sự thật khách quan ấy, cố tình chà đạp lên lẽ phải, làm sao ta sửa được lỗi lầm mình đã lỡ gây ra? Con người chỉ có thể tốt hơn lên khi biết tự sửa mình một cách nghiêm túc với một quyết tâm hành động thực sự. Chính vì không dám đối mặt với sự thật, với những lỗi lầm đôi khi trở thành họa cho người khác nên ta trốn tránh mà biến mình thành kẻ vô can. Một lần tránh được, hai lần tránh được thành quen, chính ta không biết rằng ta đã trở thành kẻ vô cảm từ lúc nào. Sự vô cảm ấy tưởng không đem lại điều gì tốt đẹp cho ai, hay không làm hại đến ai khi ta luôn tròn vo và lành lặn, luôn né tránh, thì chính đó lại là sự vô trách nhiệm nhất.
"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..." do những nguyên nhân chủ quan: thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân... Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát..." (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI). Suy ngẫm nghiêm túc đánh giá thẳng thắn trên đây của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chúng ta càng thấy thấm thía hơn chuyện tự sửa mình ở mỗi người, chuyện mỗi người luôn tự nhắc mình "Tư vô tà" có ý nghĩa quan trọng đến chừng nào.
Tự sửa mình khi mình là cán bộ, lãnh đạo quản lý càng hết sức quan trọng; bởi lề lối làm việc, nguyên tắc tập thể lãnh đạo đôi khi đang tạo thành chiếc bình phong lớn che chắn cho sai lầm của người cán bộ lãnh đạo, khi họ không đủ can đảm biết tự sửa mình, không dám chịu trách nhiệm.
Ngay từ năm 1947, trong những ngày gian khó của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian viết cuốn sách "Sửa đổi lề lối làm việc" với mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên tìm thấy cái mạnh, yếu của mình để tự sửa mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, không muốn học những ưu điểm của người khác... Họ quên rằng: chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân góp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Không được xa rời dân chúng. Xa rời dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại. Bác cũng khẳng định: "Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Mọi việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" và "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài" (Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội 1995 - Từ trang 232 đến trang 290).
Soi lại suốt chiều dài lịch sử, nhắc những điều căn dặn của Hồ Chủ tịch để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn lại mình, biết soi mình trong mọi giá trị đạo đức truyền thống mà hiểu hơn rằng: làm cách mạng càng cần phải học hỏi nhiều hơn để biết phải giữ bằng được điều gì, phải thay đổi triệt để thứ gì. Lịch sử xã hội luôn vận động theo đúng quy luật của nó. Hiểu đúng bản chất của mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội, con người sẽ chọn cho mình một chữ "đạo" đúng nhất, để khi dám dấn thân vì chữ đạo ấy lại phải biết trang bị cho mình những điều gì. Chỉ có điều, dù ở đâu, làm gì, nếu luôn tự nhắc mình "Tư vô tà" thì sẽ biết tự sửa mình để làm cho cuộc sống của cá nhân và xã hội ngày càng đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.