(HNM) - Tôi còn nhớ cách đây ba năm, diễn ra một hội nghị sơ kết thực hiện chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường” tại Hà Nội (từ năm 2009 đến 2013). Theo thống kê, chỉ riêng TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra 80 tấn nhựa và túi ni lông. Con số này ngày càng tăng lên, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của con người.
Điều đáng nói, túi ni lông đang là hiểm họa lớn và dần dần hủy hoại môi trường sống vì phải mất 500-1.000 năm mới phân hủy được. Nếu đưa vào chôn lấp, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm; nếu mang đốt thì bầu không khí sẽ bị nhiễm chất độc dioxin và fura... Đặc biệt, các loại túi ni lông màu chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi.
Thực tế trên cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng, việc sử dụng túi ni lông khá phổ biến. Từ siêu thị, các cửa hàng bán lẻ: Quần áo, hàng tiêu dùng; thậm chí ra ngoài chợ, túi ni lông vẫn đang là bao bì được nhiều người bán hàng lựa chọn để đựng đồ. Có thể nói, hầu như 100% người dân vẫn đang sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày. Để rồi, tại nhiều bãi rác, nơi thu gom, hay thậm chí trên nhiều tuyến phố, tuyến đường trong các ngõ ngách, khu dân cư, người ta rất dễ dàng bắt gặp cảnh rác thải, túi ni lông đủ màu vứt bừa bãi hay chất đống, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Trở lại chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường” như đề cập ở trên, theo chương trình đó, các bộ, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết đến tác hại của túi ni lông; lợi ích và tác dụng của túi thân thiện môi trường. Đây là dạng túi vải không dệt, có khả năng tự hủy trong vòng từ 1 đến 2 năm. Việc phát túi miễn phí (thời gian thực hiện không nhiều) cũng được thực hiện tại một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội để người dân… làm quen. Một số siêu thị lớn đã đưa vào sử dụng túi thân thiện với môi trường như: Big C, Metro… Tuy nhiên, các loại túi này khách hàng đều phải mua để đựng đồ thay vì được miễn phí nên lượng tiêu thụ khá thấp. Có thể nói, với một bên phải mất tiền mua túi, một bên không mất đồng nào; vì giá rẻ lại tiện dụng nên mặc dù không an toàn cho sức khỏe nhưng người dân vẫn giữ thói quen sử dụng túi ni lông được tái chế từ nhựa, phế thải. Trong khi đó, túi thân thiện với môi trường chưa được đón nhận rộng rãi.
Để Hà Nội xanh - sạch - đẹp và cũng để bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta, tôi mong rằng các bà nội trợ dần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, cần có quy định bắt buộc các trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện chính sách: Khuyến khích sử dụng túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông bằng cách người sử dụng sẽ phải trả tiền để mua túi ni lông đựng đồ, thay vì miễn phí như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.