Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lơ là, chủ quan

Bắc Vũ| 24/10/2022 06:40

(HNM) - Việt Nam vừa ghi nhận ca cúm A/H5 trên người là bé gái 5 tuổi ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đây là ca cúm A/H5 mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2-2014. Theo điều tra dịch tễ, khoảng một tuần trước khi bé nhập viện, gia đình phát hiện ngan, gà ốm chết không rõ nguyên nhân và có mổ để ăn.

Hiện ổ dịch cúm A/H5 nêu trên đã được nhà chức trách địa phương cùng ngành Y tế khẩn trương điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để và không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là dịch cúm gia cầm vẫn ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo báo cáo của cơ quan thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 77.000 con gia cầm.

Đáng quan ngại hơn là thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi thất thường, rất thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan, xảy ra trên diện rộng và lây lan sang người là rất cao.

Với những yếu tố rất nguy hiểm này, các ngành Y tế, Nông nghiệp cùng các địa phương, đặc biệt là người chăn nuôi gia súc, gia cầm không được phép lơ là, chủ quan; chủ động các giải pháp phòng dịch cúm gia cầm từ sớm, từ xa.

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là các địa phương cần đẩy mạnh việc tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm (theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành thú y). Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai ngay biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi nhằm ngăn chặn triệt để mầm bệnh.

Đối với ngành Y tế, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để. Cùng với đó, rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch.

Ngành Y tế cũng cần phối hợp với ngành thú y các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng biện pháp ứng phó. Chú trọng tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Trong đó lưu ý người dân nếu xuất hiện biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Hiện nay, không chỉ dịch cúm gia cầm có diễn biến nguy hiểm khi đã lây sang người, các dịch bệnh khác như đậu mùa khỉ, Covid-19, sốt xuất huyết… tình hình cũng khá phức tạp, do đó, các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là mỗi người dân cần chủ động biện pháp phòng dịch, nỗ lực ngăn chặn để dịch bệnh không lây lan diện rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lơ là, chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.