Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ít hạn chế, bất cập

Ngọc Quỳnh| 21/02/2018 07:31

(HNM) - Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn còn không ít hạn chế, bất cập...



Năm qua, toàn ngành Nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 59.323 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, qua đó phát hiện 10.756 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 9.967 cơ sở hơn 80,2 tỷ đồng... Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp: Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông sản vẫn còn hạn chế, bất cập. Đơn cử, việc xử lý một số tồn tại do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng chưa đủ mạnh để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn...

Lý giải về những bất cập nêu trên, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho rằng: Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp sạch tập trung đã ban hành nhưng chưa phát huy trong thực tế…, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng chưa ban hành đầy đủ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý, thanh tra về an toàn thực phẩm chưa được các địa phương ưu tiên bố trí đáp ứng về số lượng và còn hạn chế về chuyên môn. Cụ thể là trong thực thi nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, nhất là đối với việc tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ quyết liệt hơn trong chỉ đạo tổ chức sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng xây dựng, trình ban hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các cấp đưa tiêu chí an toàn thực phẩm trở thành một tiêu chí chính trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương theo cả nhiệm kỳ và hằng năm, trên cơ sở đó tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, thanh tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, nhất là các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục, các tổ chức, cá nhân đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ.

Từ thực tế tại địa phương, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: Để công tác quản lý vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm đạt kết quả cao hơn, các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ đủ mạnh cho cơ sở kinh doanh nông sản sạch theo chuỗi sản phẩm, có chính sách hỗ trợ vùng sản xuất. Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy định tiêu chí cụ thể cho các chợ đầu mối, chợ bán buôn hàng hóa nông sản và đội liên ngành thanh tra, quản lý thị trường… để kiểm soát chất lượng, thống kê đầu vào, đầu ra nguồn hàng từ các tỉnh nhập về Hà Nội, qua đó truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm lưu thông trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không ít hạn chế, bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.