(HNM) - Lợi dụng việc Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, thời gian gần đây, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước được sự “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực phản động, thù địch đã ra sức chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, những đối tượng này thường xuyên sử dụng cái gọi là “đại diện nhân dân”, trong khi thực tế họ không có quyền đó, để xuyên tạc, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, thúc đẩy tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
1. Vấn đề lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng việc Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ ra là: “Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước”… Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, vì với sự trợ giúp của mạng xã hội, những luận điệu xuyên tạc được lan truyền nhanh. Đáng chú ý là những đối tượng cầm đầu các nhóm, tổ chức trái phép như: Hội Anh em dân chủ, Green Trees... gần đây luôn tự nhân danh quyền đại diện cho nhân dân để vi phạm pháp luật có tính hệ thống. Tuy nhiên, điển hình hơn cả cho việc cố tình hiểu sai, lợi dụng cái gọi là “quyền đại diện cho nhân dân” để có hành vi phạm pháp phải kể đến nhóm tự xưng là “Đồng thuận” do ông Lê Đình Kình (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) cầm đầu.
Lần giở lại sự việc mất an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm từ tháng 4-2017 đến nay có thể thấy, nhóm “Đồng thuận” thường xuyên nêu cụm từ “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi” trong mọi hành vi chống đối, gây bất bình trong dư luận. Trong khi đó, những vấn đề liên quan đến công tác sử dụng đất tại xã Đồng Tâm cơ bản đã được chính quyền giải quyết. Đó là 14 cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình công tác đã bị xử lý hình sự. Ngoài ra, Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội “Thông báo kết luận thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức” đã khẳng định không có cái gọi là “59ha đất đồng Sênh” như nhóm “Đồng thuận” rêu rao, mà khu vực này hoàn toàn nằm trong phạm vi sân bay Miếu Môn từ hàng chục năm nay. Sau đó, ngày 25-4-2019, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB-TTCP về “Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội” xác nhận kết quả Thanh tra thành phố Hà Nội đã công bố là chính xác và đúng thẩm quyền...
Từ một vụ việc đã có kết luận, được đông đảo nhân dân địa phương thừa nhận, vậy nhưng nhóm “Đồng thuận” gồm khoảng 20 người trong mọi hành vi sai trái từ năm 2017 đến nay đều cố tình “lôi kéo” hơn 9.000 người dân Đồng Tâm vào vụ việc qua những phát ngôn có tính chất đánh đồng của cái gọi là “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi”. Rất tiếc, qua mạng xã hội, từ một nhóm nhỏ vi phạm pháp luật đã bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động đưa xã Đồng Tâm trở thành “điểm nóng” như đã biết... Trong khi đó, nhiều người dân chân chính nơi đây thông qua các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Hànộimới, cho biết, họ rất bất bình trước các phát ngôn của ông Lê Đình Kình và những cá nhân liên quan. Đó là chưa kể từ khi vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tâm bị tụt hậu, bởi từ một xã có điều kiện kinh tế khá của huyện Mỹ Đức thì nay vẫn chưa đạt chuẩn nông thôn mới do nhiều công trình hạ tầng xã hội bị một số người ngăn cản không thể triển khai...
Xin nhắc lại rằng, nhóm “Đồng thuận” đến nay vẫn rêu rao rằng họ tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ và đang vin vào cái cớ “đấu tranh chống tham nhũng” để vi phạm pháp luật mà cố tình không hiểu rằng, xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử là do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, chứ không phải do vài ba cá nhân nào... Nhóm khoảng 20 người không thể đại diện cho 9.000 dân. Vậy nên cần phải suy nghĩ tỉnh táo, thấu đáo về cái gọi là “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi” của nhóm “Đồng thuận”.
2. Điều 15, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Hệ thống pháp luật của nước ta cũng bảo đảm cho người dân được thực hiện các quyền đó trong phạm vi pháp luật cho phép.
Liên quan đến vụ việc tại xã Đồng Tâm, hơn 2 năm qua, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã kiên trì tuyên truyền, thuyết phục nhân dân hiểu đúng bản chất sự việc. Đến nay, đại bộ phận nhân dân Đồng Tâm đã hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến những ngày đầu tháng 11-2019, nhóm “Đồng thuận” vẫn lên mạng xã hội rêu rao “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi kiên quyết phản đối”, trong khi thực chất họ cố tình ngăn cản 14 hộ dân đang chuẩn bị bàn giao mặt bằng đất quốc phòng, chấp hành kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra thành phố Hà Nội.
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin, trao đổi làm rõ về Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 tổ chức ngày 27-8-2019, Thanh tra Chính phủ khẳng định: Trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Miếu Môn chỉ có 5 hộ có giấy do Ủy ban hành chính xã, Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm cho, cho mượn đất để ở và sản xuất từ trước năm 1980 mà không có hộ ông Lê Đình Kình. Theo quy định của pháp luật, ông Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực đất sân bay Miếu Môn, không phải là đối tượng thanh tra, nên không có quyền khiếu nại kết luận thanh tra. Ông Kình có hai quyền là quyền phản ánh theo Luật Tiếp công dân và quyền tố cáo theo Luật Tố cáo mà không có các quyền khác.
Sự thật đã “hai năm rõ mười”, vậy tại sao một nhóm người không có quyền khiếu nại, không phải là người được người dân xã Đồng Tâm ủy quyền lại có đơn khiếu nại kết luận thanh tra? Từng là cán bộ chủ chốt tại địa phương, nắm chi tiết nguồn gốc đất đai, tại sao khi Bộ Quốc phòng cắm mốc giới ông Kình lại không có kiến nghị mà nay lại có đơn khiếu nại? Liệu có phải có đối tượng đang lợi dụng cơ hội này vì những mục đích không trong sáng? Những thắc mắc này được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tại cuộc họp báo ngày 27-8-2019 rằng: Có việc cơ hội, lợi dụng khiếu kiện, tố cáo để xem chính quyền thành phố có bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ hoa màu hay không... Vậy là đã rõ về cái gọi là “người dân Đồng Tâm chúng tôi” của nhóm “Đồng thuận” thực chất chỉ là một nhóm người cố tình bóp méo sự thật hòng mục đích tư lợi, phá hoại sự bình yên của địa phương.
Đại bộ phận người dân xã Đồng Tâm từ trước đến nay với sự hiểu biết và yêu quê hương mình đã và đang nhìn nhận một cách đúng đắn, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng cho quân đội. Nhiều người cho rằng, nếu ông Lê Đình Kình và nhóm “Đồng thuận” không thay đổi để “quay đầu lại là bờ” thì cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý nghiêm, không để tiếp tục có những hành vi gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
... Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định, từ “tự diễn biến” đến “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn. Việc hiểu không đúng, lợi dụng tinh thần quyền đại diện cho nhân dân bất hợp pháp để trục lợi, vi phạm pháp luật rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm. Với người dân, trước bất kỳ một thông tin gì, đặc biệt là chỉ nghe, xem qua mạng xã hội thì cần bình tĩnh, suy xét thấu đáo, không để bị kích động, lợi dụng. Đây chính là việc thể hiện lòng yêu nước chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.