Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không được phép chủ quan

Chí Kiên| 24/10/2020 06:18

(HNM) - Thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Hà Nội những năm qua cho thấy, nếu có sự chủ động từ các cấp chính quyền địa phương đến mỗi người dân thì thiệt hại sẽ được giảm thiểu mỗi khi mưa lớn, bão, lũ xảy ra. Tuy vậy, vẫn đang tồn tại hạn chế rất nguy hiểm, xuất phát từ chính sự chủ quan của một bộ phận người dân, thậm chí trong cả một số cán bộ, chính quyền địa phương.

Không khó để nhận ra điều đó. Điển hình là vẫn có một số người không chấp hành hoặc tìm cách đối phó với các khuyến cáo của nhà chức trách khi thiên tai xảy ra. Ở một số địa phương, công trình đê điều, thủy lợi, hành lang thoát lũ vẫn đã, đang bị xâm hại. Đáng nói, phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) dù có vai trò cực kỳ quan trọng trong phòng, chống lụt bão nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa được chuẩn bị một cách chu đáo và sẵn sàng nhất…

Thiên tai luôn khó lường và diễn ra không tuân theo quy luật. Do đó, từ mỗi người dân đến các cấp, ngành và địa phương cần nhận thức quan điểm nhất quán: Ứng phó thiên tai phải chủ động, lấy phòng ngừa làm chính, không ỷ lại và trông chờ… sự may mắn.

Trên tinh thần này, để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả thì giải pháp xuyên suốt vẫn phải là dựa vào cộng đồng. Bởi chỉ khi có sự chung sức của cả cộng đồng thì công tác phòng, chống thiên tai mới đạt hiệu quả mong muốn. Muốn vậy, các cấp, ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai cho nhân dân. Việc này cần tổ chức thường xuyên, liên tục thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh hoặc phát tờ rơi đến từng hộ gia đình…

Hơn nữa, việc tuyên truyền cần hướng vào những nội dung thiết thực, dễ nghe, dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng. Trong đó cần lưu ý cách nhận diện, thách thức trong phòng, chống thiên tai; nhận thức đúng tác động tiêu cực của các hành vi xâm hại công trình đê điều, phòng, chống lụt bão... Đặc biệt, mỗi người dân phải vừa thường xuyên bổ sung kỹ năng, kiến thức phòng, chống thiên tai, vừa tự giác hình thành cho mình, người thân và cộng đồng ý thức bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.

Song song là phải thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả công tác diễn tập phòng, chống thiên tai theo đúng kế hoạch. Cùng với nâng cao kỹ năng cho lực lượng chức năng, việc này còn giúp người dân “mắt thấy, tai nghe” tình huống thiên tai; công tác cứu hộ, cứu nạn; vai trò của thực hiện phương châm “4 tại chỗ”… Từ đó, mỗi người có nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của thiên tai để có cách ứng phó phù hợp.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành cần nâng cao trách nhiệm, xây dựng và triển khai phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị mình một cách nghiêm túc; ngăn ngừa kịp thời hành vi xâm phạm công trình đê điều, phòng, chống lụt bão… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống thiên tai ở các cấp, ngành, địa phương phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, tham mưu kịp thời với cơ quan, đơn vị, đồng thời phổ biến đến người dân về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp tham gia ứng cứu kịp thời khi có tình huống mưa lớn, bão, lũ xảy ra.

Để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân cần chủ động và không được phép chủ quan trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không được phép chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.