(HNMO) - Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, ban quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn thành phố có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời tại các điểm bán hàng để bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá tại các điểm bán.
Đây là một phần nội dung Công văn số 465/SCT-QLTM ngày 7-2 của Sở Công Thương Hà Nội gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, lãnh đạo ban quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác chợ về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa và công tác bình ổn thị trường phục vụ nhân dân trên địa bàn sau Tết Nguyên đán và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) để phối hợp tổ chức thực hiện và cung cấp thông tin.
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước thường xuyên cung cấp các thông tin tình hình nguồn cung, giá cả và các thông tin liên quan đến các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn cả nước về Sở Công Thương Hà Nội để phối hợp điều tiết cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường sau Tết và thời điểm dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết để nắm chắc nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản thiết yếu và thông tin hằng tuần về nguồn cung các mặt hàng nông sản gửi Sở Công Thương; chỉ đạo các chuỗi kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở chuẩn bị đầy đủ nguồn cung, tổ chức bán ra, điều tiết nguồn hàng liên tục tại các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa tại các điểm bán.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng thành phố tổ chức kiểm tra khi có hiện tượng thiếu hàng, găm hàng, tăng giá, không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong mùa dịch bệnh (khẩu trang, nước rửa tay…).
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, Ban quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời tại các điểm bán hàng để bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá tại các điểm bán.
Đồng thời, các đơn vị này xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung mặt hàng thiết yếu (từ tháng 2 đến hết tháng 4-2020) trong hệ thống phân phối thuộc đơn vị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, ngoài việc thực hiện các nội dung trên, cần bảo đảm lượng hàng hóa dự trữ và bán ra theo đúng đăng ký; khi có thay đổi về giá bán các mặt hàng tham gia chương trình, thực hiện kê khai giá và bán theo đúng giá đã kê khai với Sở Tài Chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.