Hiện nay, với nhu cầu ngày càng lớn, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua thực phẩm chức năng từ cửa hàng, siêu thị, nhà thuốc, mạng xã hội…
Lợi dụng điều này, hàng loạt các loại thực phẩm chức năng ra đời và đều được các nhà sản xuất giới thiệu như "thần dược", khiến người mua lạc vào “ma trận”, không biết đâu là thật, là giả.
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là "trá hình" thực phẩm chức năng.
Những sai phạm này không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng, mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng và gây ra sự lẫn lộn giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối.
Thực tế đã có nhiều trường hợp người bệnh nghe theo quảng cáo, tự ý sử dụng thực phẩm chức năng phải nhập viện trong trạng thái hôn mê, co giật, tổn thương não...
Một trong những nguyên nhân của tình trạng nói trên là do nước ta hiện còn thiếu những quy định quản lý hình thức mua bán online (trực tuyến). Bất cứ ai cũng có thể đưa mặt hàng thực phẩm chức năng lên các trang mạng xã hội hoặc tạo website để bán hàng.
Người bán không cần công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý các cơ sở kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra cũng chỉ tiến hành ở những cơ sở được cấp phép; trường hợp chủ doanh nghiệp cất giữ các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng tại một địa điểm khác thì việc kiểm tra trở nên khó khăn…
Nhằm quản lý chặt việc quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm vi phạm, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4286/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.
Theo đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.
Trên cơ sở đó, chỉ đạo theo thẩm quyền việc thực hiện các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng theo đúng quy định.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật của thực phẩm chức năng cả nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Theo quy định hiện hành, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Điều này có nghĩa, thực phẩm chức năng phải được sản xuất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như thuốc chữa bệnh.
Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng và phải luôn nhớ thực phẩm chức năng chỉ được dùng để hỗ trợ chức năng, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh chứ không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
Nếu sử dụng tùy tiện hoặc nghe theo lời quảng cáo và dùng những loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng… sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi sử dụng thực phẩm chức năng bắt buộc phải có sự tư vấn của bác sĩ.
Các nhà sản xuất, kinh doanh cần thực hiện tốt Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng (của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam), từ đó cùng các cơ quan quản lý lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.