(HNM) - Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, trong đó có quản lý các cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực.
Vi phạm nhiều, quản lý khó
Theo thống kê của Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, toàn thành phố hiện có 580 cơ sở nước uống đóng bình và nước đá dùng liền được quản lý và cấp phép hoạt động. Từ đầu năm 2018 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố đã thanh tra, kiểm tra 416 cơ sở. Các đoàn kiểm tra đã phát hiện 98 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 72 cơ sở với số tiền hơn 226 triệu đồng và 7 cơ sở bị dừng hoạt động.
Ngoài ra, trong 8 tháng của năm 2018, Phòng Công tác thanh tra (Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội) cũng đã tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở nước uống đóng bình. |
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu là mẫu nước uống đóng chai, đóng bình không đạt chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn…
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó phát hiện. Hoặc khi cơ sở ngừng hoạt động lại không báo cho cơ quan quản lý, thậm chí nhiều cơ sở đang xây dựng, chưa có giấy phép nhưng vẫn sản xuất thử, không báo cáo. Do vậy, để quản lý mặt hàng này có hiệu quả, các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các thôn, xóm, tổ dân phố để nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ.
Ông Đỗ Chí Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, trên địa bàn phường hiện có 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình và qua kiểm tra phát hiện 3 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát… các cơ sở này còn nhiều bất cập. Hơn nữa, các chế tài, biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm còn chưa đủ sức răn đe. Phường đã phải đề xuất lên quận để xử phạt một cơ sở vi phạm 15 triệu đồng do cấp phường chỉ được phạt tối đa 5 triệu đồng.
Tương tự, tại quận Long Biên, trong 9 tháng của năm 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận và 14 phường đã kiểm tra 24/32 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở với số tiền gần 12 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4 cơ sở.
Theo đánh giá của Phó Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Khuất Thị Dung, qua theo dõi thấy có nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng không thông báo, không làm thủ tục giải thể, nên trong danh sách quản lý của cơ quan chức năng vẫn còn. Thậm chí, có những cơ sở, đoàn kiểm tra của quận và phường đã nhiều lần đến, nhưng đều thấy đóng cửa, không liên lạc được với chủ cơ sở. Vì vậy, các đoàn kiểm tra không xác minh được thực tế cơ sở đó có thực sự ngừng hoạt động hay không.
Cần đưa vào diện quản lý theo chuỗi
Theo bà Đặng Thị Thanh Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và vệ sinh, an toàn thực phẩm (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp), để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, một số doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai, đóng bình tìm cách giảm chi phí sản xuất, loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất một số khâu, công đoạn hoặc tái sử dụng bình không bảo đảm vệ sinh.
“Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra mặt hàng này rất nhiều, song cần chú trọng hơn đến các cơ sở sản xuất lấy thương hiệu gần giống với các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng. Mặt khác, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Chính quyền cơ sở cần nắm chắc các văn bản, quy định về điều kiện sản xuất nước đóng chai, đóng bình để hướng dẫn cơ sở thực hiện, đồng thời phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của mình” - bà Đặng Thị Thanh Quyên kiến nghị.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, để tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, các cơ quan chức năng từ cấp thành phố cho đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, hậu kiểm, nhất là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm nước đóng bình trên địa bàn sở tại.
Ngoài kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm minh những cơ sở sai phạm và phải tái kiểm tra xem các cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu.
Mặt khác, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng bình nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân. Với những cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm phải lập tức yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.