Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để nảy sinh bức xúc

Hồng Hạnh| 03/06/2015 06:43

(HNM) - Ngày 30-5, kế hoạch tuyển sinh (TS) vào các lớp đầu cấp năm học 2015-2016 của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đồng loạt được niêm yết công khai tại từng đơn vị và trên website của ngành GD-ĐT.


Phân tuyến hợp lý sẽ bảo đảm chỗ học cho học sinh. Ảnh: Bá hoạt


Phân tuyến hợp lý

Ngay từ khi các trường học bước vào học kỳ II năm học vừa qua, công tác TS năm học mới đã bắt đầu bằng việc khảo sát số lượng HS trên địa bàn, trong đó xác định rõ đối tượng có hộ khẩu hoặc cư trú thực tế. Căn cứ số liệu này, các phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch TS trên địa bàn. Theo chỉ đạo của thành phố, kế hoạch TS của các đơn vị phải bảo đảm yêu cầu "5 rõ": Rõ phương thức, rõ tuyến, rõ chỉ tiêu, rõ thời gian, rõ lịch trực (ai trực, thời gian nào, số liên lạc ra sao) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh HS khi đến làm thủ tục.

Trong yêu cầu "5 rõ" kể trên, nội dung được phụ huynh HS quan tâm nhất, cũng là vấn đề khiến các cơ quan quản lý đau đầu nhất là việc phân tuyến TS. Tại nhiều đơn vị, do số lượng HS luôn biến động nên hầu như năm nào cũng phải điều chỉnh tuyến TS cho phù hợp với điều kiện đáp ứng của các nhà trường, bảo đảm đủ chỗ học cho HS. Thông thường, HS ở trên địa bàn nào thì theo học tại trường mầm non, tiểu học, THCS của phường, xã, thị trấn ấy. Nhưng hiện tại Hà Nội còn có một số nơi chưa đủ trường công lập nên có khi HS ở phường này lại phải sang phường bên cạnh học, hoặc thậm chí, HS ở cùng một tổ dân phố nhưng người có nhà bên số lẻ học ở một phường, bên số chẵn học ở phường khác. Việc phân tuyến tỉ mỉ, chi tiết khiến cho đầu việc của các quận, huyện, thị xã nhiều hơn nhưng là việc cần thiết để HS có chỗ học thuận lợi nhất.

Việc phân tuyến hợp lý, trong đó có quy định thế nào là HS đúng tuyến, thế nào là HS trái tuyến góp phần tích cực làm giảm số lượng HS trái tuyến - một trong những mục tiêu của Hà Nội trong công tác TS. Theo đó, khái niệm diện HS đúng tuyến sẽ được điều chỉnh theo điều kiện thực tế tại từng địa bàn. HS đúng tuyến trước hết là đối tượng HS đáp ứng được một trong hai điều kiện: HS có hộ khẩu gốc tại địa bàn khu vực được phân tuyến; HS có bố (mẹ) có hộ khẩu trong khu vực - được gọi là HS diện KT2. Đây là đối tượng HS được ưu tiên khi xét TS vào trường. Sau khi tuyển hết số lượng HS này, tùy theo điều kiện cụ thể, các đơn vị có thể quy định diện đúng tuyến rộng hơn, có thể là công nhận những HS diện KT3, tức là không có hộ khẩu nhưng cư trú thực tế trên địa bàn.

- Thời gian tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 tại Hà Nội từ ngày 1-7 đến ngày 15-7-2015. Các đơn vị tuyệt đối không được tuyển sinh sớm trước thời gian quy định; không được phép tổ chức khảo sát, kiểm tra để chia lớp.
- Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển theo tuyến.

Hạn chế quá tải

Bảo đảm đủ chỗ học có chất lượng cho HS là mục tiêu được Hà Nội kiên trì thực hiện trong nhiều năm và được đặc biệt coi trọng trong vài năm trở lại đây, khi số lượng HS có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn có khu công nghiệp, nơi tái định cư. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, kế hoạch TS đầu cấp của các quận, huyện, thị xã đều chủ động coi trọng việc điều phối tuyến TS giữa các trường, tránh tình trạng trường có quy mô lớn, trường lại quá ít HS. Để đạt mục tiêu, giải pháp quan trọng của ngành là giảm quy mô HS trong một lớp. Năm học trước, một số đơn vị như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa đã chủ động khống chế sĩ số HS/lớp từ khi giao chỉ tiêu TS. Với cấp THCS, chỉ tiêu giao cho mỗi lớp không quá 45 HS - theo quy định của điều lệ trường; quy mô ở tiểu học là khoảng trên dưới 40 HS/lớp. Theo bảng chỉ tiêu thực tế được công bố, quận Hà Đông hiện có một trường có sĩ số cao nhất là 46 HS/lớp, quận Ba Đình có một trường có sĩ số cao nhất là 49 HS/lớp, Cầu Giấy có 2 trường có sĩ số 50 HS/lớp…

Quận Thanh Xuân là một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa cao nên quy mô HS tăng nhanh, chỉ riêng bậc mầm non năm nay đã tăng hơn 1.000 bé. Số HS vào lớp 1 cũng tăng, nhất là tại quanh khu vực Trường Tiểu học Khương Mai. Để giảm áp lực, quận này quy định những HS nếu nhập hộ khẩu từ năm 2015 được phân tuyến sang trường khu vực lân cận. Quận Ba Đình cho biết, quy mô HS tiểu học và THCS hiện là hơn 40 nghìn em, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Hai năm gần đây, quận Ba Đình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, luân chuyển cán bộ, giáo viên… để vừa hạn chế tình trạng quá tải ở một số trường lớn như Giảng Võ, Thăng Long, tạo thuận lợi cho công tác TS ở một số trường còn khó khăn như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, năm học 2015-2016, vấn đề giảm tải tại các trường có quy mô lớn sẽ được coi trọng hơn, trong đó riêng Trường THCS Ngô Sỹ Liên sẽ giảm 2 lớp…

Tại buổi họp ban chỉ đạo thi và TS thành phố trong tháng 5 vừa qua, vấn đề giảm tải cho các nhà trường đã được lãnh đạo một số quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình… đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá chung, vài ba năm trở lại đây, công tác TS đầu cấp đã cơ bản ổn định, không còn "điểm nóng" nhưng những thách thức về áp lực TS, nhất là tình trạng quá tải cục bộ ở một vài địa bàn vẫn còn. Ngoài việc phân tuyến TS hợp lý, hầu hết đơn vị đều đã chủ động tăng cường đầu tư, luân chuyển đội ngũ nhằm giảm khoảng cách về điều kiện, chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải trường học, các đơn vị cho rằng cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thêm quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để nảy sinh bức xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.