(HNM) - Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 19 Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 23-12 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm mọi người dân đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hiện trên thế giới, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron - biến thể chính trên toàn cầu hiện nay. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với năm trước, nhưng vẫn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tại Việt Nam, 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận hơn 12.000 ca mắc mới (giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó); số ca mắc mới trung bình những ngày gần đây thường là dưới 200 ca/ngày; riêng ngày 25-12 ghi nhận 71 ca - số mắc thấp nhất trong hơn một năm qua.
Dù đã “hạ nhiệt” nhưng dịch Covid-19 vẫn là mối nguy hiểm thường trực, trong khi nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài); dịch sốt xuất huyết, adenovirus, cúm… vẫn đang lưu hành. Do đó, trong lúc này, việc đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch, đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của các cấp, ngành, địa phương.
Vấn đề quan trọng đầu tiên là ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó, kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống các loại dịch bệnh.
Đặc biệt, ngành Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tại các cơ sở y tế trong dịp Tết. Lưu ý việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng y, bác sĩ…
Một việc nữa cần tiếp tục làm tốt là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Trong đó, nội dung cần lưu ý là tập trung thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là các nhóm đối tượng có rủi ro cao về sức khỏe...
Với mỗi người dân, cần thực hiện hiệu quả thông điệp “2K” (khẩu trang, khử khuẩn) vắc xin thuốc điều trị công nghệ ý thức và các biện pháp khác. Tuyệt đối không ai được chủ quan, lơ là với dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác trong mọi tình huống. Khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, khử khuẩn ở những nơi đông người để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.