(HNM) - Lợi dụng sự bùng phát của dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu đẩy mạnh hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ quan trọng, không có vùng cấm…, Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/TP) yêu cầu các đơn vị tăng cường quyết liệt các biện pháp đấu tranh trong tình hình mới, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn.
Sáng 20-5, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại sảnh số 1, tòa nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), phát hiện và thu giữ 300 chai loại 500ml nước sát khuẩn tay mang nhãn hiệu ASIRUB (đóng trong 15 thùng), công dụng ghi trên thân chai là “chế phẩm sát khuẩn tay nhanh dùng trong gia dụng và y tế”. Đặc biệt, trên vỏ chai có dán “xác thực chống hàng giả” với các mã số, tem, vạch đầy đủ.
Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 14 đã liên lạc với đại diện đăng ký và phân phối nhãn hiệu ASIRUB là Công ty cổ phần Dịch vụ và Thiết bị y tế An Sinh, địa chỉ liền kề 23 lô 5 - Khu đất đấu giá Mậu Lương, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) để xác định dấu hiệu thật, giả của lô hàng này. Đại diện công ty đã mang 1 sản phẩm chính hãng để so sánh và xác định sản phẩm bị thu giữ có dấu hiệu giả mạo chỉ dẫn tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa, giả mạo mã số đăng ký lưu hành của công ty.
Làm việc với Đội Quản lý thị trường số 14, đối tượng vi phạm khai nhận toàn bộ số hàng hóa được nhập về để đóng gói và chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh. Hiện, Đội Quản lý thị trường số 14 đang tiếp tục làm việc để xác minh, xử lý theo quy định.
“Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nước rửa tay, khẩu trang… là những mặt hàng bị lợi dụng để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì thế, người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng, tốt nhất nên chọn mua ở địa chỉ tin cậy”, ông Chu Văn Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP khuyến cáo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Công văn hỏa tốc số 371/QLTTHN-NVTH yêu cầu các phòng, đội trưởng các đội quản lý thị trường tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Đặc biệt, chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chấp hành quy định của thành phố về yêu cầu tạm dừng hoạt động để hạn chế lây lan dịch Covid-19, lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch, hàng hóa vi phạm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, các Đội Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đa số các cơ sở kinh doanh đều có ý thức chấp hành quy định pháp luật. Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, hàng cấm; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ... Riêng trong tháng 4 vừa qua đã kiểm tra 1.665 vụ; xử lý hành chính 1.220 vụ; khởi tố 5 vụ đối với 8 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là trên 463,1 tỷ đồng.
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, Ban Chỉ đạo 389/TP chỉ đạo tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ở Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.
“Ban Chỉ đạo 389/TP đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại, hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu…”, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.