(HNM) - Liên quan đến thông tin Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ hối lộ các quan chức tại ba nước, trong đó có Việt Nam, bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng
Thực ra, nói như lời Bộ trưởng Y tế cũng chẳng sai. Bởi trách nhiệm chứng minh có hối lộ hay không thuộc về cơ quan điều tra. Nhưng có một điều chắc chắn rằng không phải đến bây giờ người dân mới biết sự thật của nạn "bôi trơn", "hối lộ" vốn không phải là chuyện lần đầu "lộ sáng". Có thể điểm danh vài vụ như: Vụ Công ty PCI Nhật Bản hối lộ Ban Quản lý dự án PMU tại TP Hồ Chí Minh (năm 2008), vụ cảnh sát Australia điều tra Công ty Securency về nghi án hối lộ để thắng các hợp đồng in tiền (năm 2009), vụ chủ tịch một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để được trúng thầu dự án ODA (năm 2014)…
Tất nhiên, điều gì cũng có "căn cớ" cả. Hẳn là người Mỹ sẽ chẳng tự nhiên lại "vạch áo" một công ty của mình. Luật pháp nước Mỹ cấm các công ty kinh doanh ở nước ngoài có hành vi hối lộ bất kể vì lý do gì. Nếu vi phạm chẳng những bị phạt rất nặng mà có thể còn bị kết án hình sự. Ngay cả khi không bị "kết án" thì hậu quả mà doanh nghiệp gánh chịu cũng thật nặng nề, đầu tiên phải kể đến chính là việc bị cấm hoạt động trên thị trường chứng khoán…
Dù thế nào thì nghi án Công ty Bio-Rad của Mỹ hối lộ ngành y tế 2,2 triệu USD một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng "bôi trơn", hoa hồng, lót tay trong các thương vụ làm ăn từ nước ngoài vào Việt Nam. Tình trạng nghiêm trọng đến mức các công ty nước ngoài, vốn được coi là rất minh bạch, cũng phải chấp nhận "nhập gia tùy tục", chấp nhận "đi đêm" khi đầu tư tại Việt Nam. Đây chính là điều thực sự nguy hiểm. Nó đáng lo ngại hơn là con số 2,2 triệu đô la kia rơi vào túi ai. Tiền "bôi trơn" có thể coi như một dạng phí cơ hội và sẽ được doanh nghiệp "gói" vào sản phẩm, mà rút cuộc là đổ hết lên đầu người tiêu dùng.
Hiện nay, vấn nạn "bôi trơn" hay "lót tay", "hối lộ" nếu chỉ đánh giá trong phạm vi nội địa (trong nước) cũng đã là vấn đề phức tạp. Trong một báo cáo về năng lực cạnh tranh gần đây cho biết, có tới 40% doanh nghiệp phải sử dụng phí "bôi trơn". Việc làm này đã trở thành thường xuyên và doanh nghiệp buộc phải đưa khoản này vào chi phí kinh doanh, coi như "việc phải làm". Thế nên vụ việc của Công ty Bio-Rad Laboratories Inc, như đã nói ở trên, không phải là mới. Cái chính là cơ chế của chúng ta dường như đang có nhiều lỗ hổng tạo điều kiện nảy sinh những hành vi sai trái. Thực tế, Việt Nam gần đây đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu, triệt tiêu tham nhũng. Nhưng tiếc là hiệu quả thu được chưa cao.
"Bôi trơn", "hoa hồng" đang làm mất tính công bằng, cạnh tranh, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và thực chất là một dạng tham nhũng, hối lộ. Nó luôn đe dọa xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ nơi nào. Việc chống nạn "bôi trơn" cũng chính là chống tham nhũng, đôi khi chỉ từ một thông tin mong manh cũng đã có thể "bắt được cá lớn". Thế nên, các cơ quan chức năng phải khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ nghi vấn chứ không nên chỉ dừng ở câu hỏi "chứng cớ ở đâu?". Các cụ xưa đã dạy "Không có lửa, làm sao có khói" đó thôi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.