Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chủ quan với lạm phát

Sơn Hương| 10/08/2021 06:20

(HNM) - Trong 7 tháng năm 2021, lạm phát của nước ta ở mức thấp, bình quân Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế vĩ mô, việc điều hành giá vẫn cần thận trọng, không thể chủ quan bởi áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

CPI tăng thấp

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7-2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng là giá xăng dầu được điều chỉnh tăng tới 20,36%. Thực tế, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng, mặt hàng do Nhà nước quản lý) 7 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Từ góc độ người tiêu dùng cho thấy, hầu hết hộ gia đình khu vực đô thị vẫn duy trì mua sắm. Đáng lưu ý là do dịch Covid-19 nên đã xuất hiện tâm lý tích trữ nhóm hàng lương thực, thực phẩm ở mức cục bộ nên nhu cầu đối với nhóm này tăng lên, nhưng không quá cao. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể thì một bộ phận người lao động bị giảm thu nhập do gián đoạn công việc nên cũng giảm mức chi tiêu. Điều đó có nghĩa, sức cầu xã hội giảm trong khi nguồn cung vẫn dồi dào, dẫn đến CPI tăng thấp.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) nhìn nhận, CPI 7 tháng năm 2021 tăng thấp cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu bởi ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19. Nhiều hoạt động, nhu cầu tiêu dùng quan trọng như du lịch, đi lại, ẩm thực, mua sắm hàng công nghệ, cơ sở lưu trú, bất động sản, hàng không... gần như đã giảm xuống mức tối thiểu. Với diễn biến trên, dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát còn nhiều và việc kiểm soát lạm phát cả năm 2021 như mục tiêu đề ra dưới 4% là hoàn toàn khả thi.

Nhận định tình hình, tập trung giải pháp

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, mặc dù CPI đang “tương đối yên tâm”, song không thể chủ quan bởi giá cả những tháng cuối năm có thể sẽ phức tạp. Trên thế giới, một số nền kinh tế đang có chiều hướng hồi phục, nhu cầu về các mặt hàng chiến lược có thể tăng ở một chu kỳ mới.

“Việt Nam phụ thuộc 70-80% vật tư, năng lượng, nguyên nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và một số năm tiếp theo... Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ là yếu tố làm cho chi phí logistics (vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan, giao nhận hàng…) đứng ở mức cao nên giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa thể giảm giá ngay như mong muốn”, ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Tại hội thảo về diễn biến thị trường giá cả do Học viện Tài chính tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với kiểm soát lạm phát. Đó là tình hình thế giới có xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số loại nguyên, vật liệu trên thị trường quốc tế và tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ cung - cầu và có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương.

Để kiểm soát lạm phát, ông Vũ Vinh Phú đề xuất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó Nhà nước kiểm soát giá những mặt hàng vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, lực lượng chức năng phải làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế; đặc biệt là chống khan hàng, sốt giá bất hợp lý.

Về phía cơ quan quản lý, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để kiểm soát lạm phát, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho địa phương đang giãn cách xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ đã thông qua phương án giảm giá điện, nước và tập trung giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá, nhất là dịp cuối năm 2021.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho những tháng còn lại của năm, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý hoặc dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, với sự chủ động trong điều hành và diễn biến thị trường cũng như xét tới dư địa còn lại thì dự báo lạm phát năm nay sẽ được khống chế, bảo đảm mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan với lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.