(HNM) - Những tháng đầu năm, giá hàng hóa thường biến động mạnh và bước vào chu kỳ tăng giá do đây là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ tăng cao. Kết quả khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân do Bộ Tài chính và Công thương vừa thực hiện cho thấy, hàng hóa khá dồi dào, song không thể chủ quan với vấn đề biến động giá.
- Có ý kiến cho rằng, đợt tăng giá xăng dầu ngày 18-12 sẽ tác động đến giá cả thị trường, đặc biệt là mặt bằng giá hàng Tết. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Đợt tăng giá xăng dầu vừa qua phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới theo cách tính bình quân 30 ngày liên tục. Trước đó, giá xăng dầu ở mức cao, Bộ Tài chính đã đề nghị các DN không tăng giá và sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá. Sau đó, giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động và dự báo có khả năng tiếp tục tăng cao, trên cơ sở đánh giá các nguồn ổn định thị trường, Liên Bộ Tài chính - Công thương thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu từ ngày 18-12. Nếu tính đủ, mức tăng giá là 914 đồng/lít xăng, nhưng để giảm áp lực cho thị trường, Liên Bộ đã quyết định cắt giảm lợi nhuận định mức và cho phép các DN tăng tối đa 583 đồng/lít xăng. Các DN đã điều chỉnh tăng giá 580 đồng/lít xăng, mức tăng phù hợp với kiểm soát của Nhà nước. Cơ quan chức năng cũng đã lường trước tác động của đợt tăng giá xăng dầu lần này tới thị trường. Bộ trưởng Tài chính đã có Chỉ thị 05 lồng ghép các chương trình bình ổn giá trước, trong và sau Tết nhằm tăng cường công tác quản lý giá. Đặc biệt, Cục sẽ kiểm soát chặt các phương án giá, yêu cầu DN kê khai giá và đánh giá tác động đối với các đăng ký tăng giá của DN. Cục sẽ cương quyết dừng các phương án tăng giá nếu không tương ứng với mức tăng đầu vào.
Sữa bột là mặt hàng có nhiều biến động giá trong thời gian qua. Ảnh: Thái Hiền |
- Giá sữa bột và khí hóa lỏng LPG (gas) cũng liên tục biến động tăng thời gian qua, gây tâm lý lo ngại với người dân, đặc biệt là khi Tết đang tới gần. Vậy Cục sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
- Gần đây, hãng sữa bột Mead Johnson đã gửi kê khai giá về Bộ Tài chính, chúng tôi đang tiến hành rà soát. Việc điều chỉnh giá được yêu cầu phải nhất quán là theo tín hiệu thị trường, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. DN được quyền điều chỉnh giá, tuy nhiên Nhà nước thực hiện kiểm soát các phương án giá để đánh giá mức độ gia tăng của giá so với mức độ gia tăng đầu vào. Nếu mức kê khai tăng giá không phù hợp, cơ quan chức năng sẽ đề nghị các DN tính toán lại. Đối với giá LPG, mặt hàng này biến động theo diễn biến thị trường thế giới, khi thế giới tăng, giá trong nước cũng biến động tương tự và mặt hàng này thường điều chỉnh giá theo tháng. Nếu giá thế giới giảm, chúng tôi sẽ yêu cầu DN giảm giá.
- Theo quy luật hằng năm, chu kỳ tăng giá thường bắt đầu từ tháng 1, vậy ông có thể dự báo mức tăng giá năm nay sẽ thế nào?
- Vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương thực hiện kiểm tra chủng loại, số lượng hàng hóa chuẩn bị và nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Kết quả khảo sát cho thấy, việc chuẩn bị hàng hóa của các DN tương đối tốt, nên tác động tăng giá chưa đến mức độ lo ngại. Tuy nhiên, không thể chủ quan với biến động giá thị trường. Từ nay đến Tết, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình. Nếu có biến động bất thường, sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện bình ổn giá và điều tiết theo quy định của Luật Giá.
- Vậy, Bộ Tài chính có thực hiện kiểm tra thực tế diễn biến giá tại các địa phương dịp Tết không thưa ông?
- Theo thông lệ, trước Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính cùng các ngành chức năng sẽ kiểm tra việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai các chương trình bình ổn thị trường của địa phương. Cục Quản lý giá sẽ tổ chức các đoàn đi nắm tình hình các tỉnh, thành phố trên cả nước để xem xét việc cung ứng hàng hóa ra thị trường, việc thực hiện Chỉ thị 25 của Thủ tướng, Chỉ thị 05 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, chúng tôi tổng hợp báo cáo, đồng thời sẽ theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết để có đề xuất phù hợp.
Hiện nay, các địa phương đã tích cực triển khai công tác bình ổn giá. Hầu như các địa phương đều không cần phải cho DN vay một khoản vốn nhất định như các năm trước mà khuyến khích DN tiếp cận với ngân hàng để tham gia chương trình bình ổn giá. Tham gia bình ổn giá, DN được ưu tiên vị trí thuê cửa hàng, treo biển có gắn thương hiệu bình ổn giá và được giới thiệu với các ngân hàng để vay vốn. Hoạt động này của các địa phương đã góp phần đắc lực trong việc giữ ổn định giá thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.