Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là chuyện một chiếc hố

Lê Nhật Huy| 18/07/2011 06:33

(HNM) - Chiều 14-7, tại TP Hồ Chí Minh, một chiếc taxi lao lên vỉa hè và cả chiếc xe lọt xuống hố dẫn nước thải sâu hơn 2m. Người dân quanh khu vực phản ánh, hố


Chuyện lái xe taxi đi sai phần đường quy định dẫn đến tai nạn trên là quá rõ ràng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sau khi xảy ra vụ tai nạn, các lực lượng chức năng không thể xác định được cơ quan nào là chủ nhân của chiếc hố "tử thần" nêu trên. Công ty Thoát nước đô thị thành phố cho biết, hố nước này không thuộc quyền quản lý của mình. Còn theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) thì phần vỉa hè là của quận Tân Bình. Bên Thanh tra Sở GTVT lại có ý kiến cho rằng, đây là hệ thống thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất...

Đại loại là như vậy. Vì không phải là việc đáng biểu dương, khen thưởng để có "một miếng giữa làng" nên chẳng cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm. Và chiếc hố "tử thần" bỗng dưng thành... vô chủ.

Mấy năm trước, ở Hà Nội đã có trường hợp người điều khiển xe máy bị tử vong do vấp phải những chiếc gờ giảm tốc xây quá cao. Thế nên lẽ ra khi đi qua đó các phương tiện phải giảm tốc độ thì người điều khiển xe máy nọ mất lái, ngã xe, dẫn đến tử vong. Rồi trong lúc mưa to, nước ngập, đã có người chết do hở điện vì hệ thống kỹ thuật của ngành chức năng không bảo đảm an toàn. Lại có không chỉ một trường hợp, người điều khiển phương tiện giao thông bị tử vong vì vướng phải những sợi dây lòng thòng vắt qua đường, vô hình trung tạo thành những chiếc "thòng lọng"...

Cũng đã có những trường hợp khiếu kiện về trách nhiệm của ngành chức năng nhưng rồi sau một hồi ầm ào, các vụ việc dần rơi vào quên lãng. Và câu hỏi trách nhiệm của ai, ngành nào trong từng vụ việc cụ thể đã được "khất nợ" không chỉ một lần. Ấy như vừa rồi, phục vụ cho kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều đường dây đi nổi ở hàng loạt tuyến phố (bao gồm dây cáp điện và hệ thống thông tin liên lạc) được hạ ngầm, lúc đó mới phát hiện ra hàng loạt đường dây vô chủ, không còn hiệu quả sử dụng. Vậy nhưng trong một thời gian dài những búi dây loằng ngoằng như thế vẫn tồn tại như vật "trang điểm" cho bộ mặt của thành phố. Nhìn rộng ra lại có những địa phương, hàng nghìn mét vuông đất công bị lấn chiếm, biến tướng, thậm chí người ta xây nhà, dựng xưởng ngay trên thân đê mà cơ quan quản lý đê điều và chính quyền sở tại không hề có phản ứng. Rồi công trình xây dựng trái phép, vượt phép vẫn ngang nhiên tồn tại dù cũng từng bị chính quyền địa phương và ngành chức năng nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu đình chỉ. Đến khi mọi việc vỡ lở, quả bóng "trách nhiệm" lại được đá lên cho cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Nhưng lạ là những người được giao trách nhiệm quản lý ở cơ sở thì vẫn "bình chân như vại"...

Không lẽ mọi chuyện cũng như cái hố "tử thần" vừa xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh theo kiểu... từ trên trời rơi xuống? Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức các cấp của chúng ta dù rất đông đảo vẫn được đánh giá chung chung là cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước bỏ ra để trả lương cho đội ngũ "công bộc"của dân với những con người, chức danh cụ thể, nhưng trách nhiệm cụ thể đối với từng chức danh, công việc ra sao lại chưa rõ ràng. Đó là nghịch lý cần nhanh chóng chấm dứt bởi cả xã hội không thể mãi oằn lưng ra đóng góp để nuôi những người chỉ giỏi "đá bóng" trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là chuyện một chiếc hố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.