Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chạy theo số lượng

Hồng Sơn| 31/12/2010 07:57

(HNM) - Năm 2010, Việt Nam thu hút được 18,59 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) gồm cả cấp mới và tăng vốn, tuy chỉ bằng 82,2% so với năm 2009 nhưng là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu. Kết quả hoạt động của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN năm 2010 đang củng cố lòng tin vào việc có thể thu hút và giải ngân thêm nhiều vốn trong năm 2011.


Bức tranh nhiều mảng sáng

Đó là thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp (DN) ĐTNN trên phạm vi cả nước trước thời điểm khép lại năm kế hoạch 2010, thông qua việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kết quả thu hút vốn và hoạt động của khu vực ĐTNN ngày 30-12 tại Hà Nội.

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài “chảy” khá nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Trung Kiên

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn ĐTNN thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2009 và vượt mức dự kiến từ đầu năm. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được phục hồi thì kết quả nêu trên là một thành công lớn. Điều này khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, tạo được cơ hội tốt và khả năng sinh lãi đối với cộng đồng nhà ĐTNN.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ĐTNN thể hiện rõ sự năng động của một khu vực có khả năng cao về quản trị DN và công nghệ. Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này tăng 17,2% so với năm 2009, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (tăng 14,7%); tổng giá trị xuất khẩu đạt 38,8 tỷ USD, tăng 27,8% và xuất siêu gần 2,4 tỷ USD, góp phần giảm mức nhập siêu của cả nước. Các DN ĐTNN đang cố gắng phát triển theo chiều sâu, tạo bước chuyển mạnh về chất để trụ vững trên thương trường, bảo đảm mục tiêu lợi nhuận và đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Các DN ĐTNN đã nộp ngân sách nhà nước 3,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2009, vượt 6% so với kế hoạch và đóng góp 18,4% vào tổng nguồn thu nội địa. Điều này cho thấy đóng góp của khối này ngày càng lớn do hiệu quả từ sản xuất, kinh doanh. Điểm nổi bật khác là khu vực này tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Đến nay, các DN đang sử dụng khoảng 2 triệu lao động trực tiếp và tạo ra hàng triệu việc làm gián tiếp, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm ở những nơi triển khai dự án.

Ưu tiên dự án tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2011, lượng vốn mới đăng ký sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD. Bộ sẽ kết hợp với các địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung vào những đầu việc "ra tấm, ra món", hướng mạnh vào những đối tác giàu tiềm năng. Việc xúc tiến sẽ diễn ra theo những chủ đề chuyên biệt, tránh chồng chéo hoặc dàn trải để đạt hiệu quả cao hơn. Nội dung xúc tiến nhằm vào sự kết nối và bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương để phát huy thế mạnh từng địa phương xét trong tổng thể liên vùng và quốc gia.

Dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam. Ảnh: Nguyên Minh

Năm 2011 sẽ chú trọng nâng cao chất lượng các dự án ĐTNN xin cấp phép, không chạy theo số lượng thuần túy. Vấn đề đặt ra cho việc chấp thuận dự án mới sẽ dựa trên những tiêu chí và tác dụng tổng hợp, như dự án đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách, sử dụng công nghệ có mức độ hiện đại đến đâu, tạo ra bao nhiêu việc làm và cơ cấu thành phần lao động tiếp nhận ra sao, giá trị gia tăng của sản phẩm làm ra như thế nào… Từ đó, sẽ ưu tiên những dự án có tác động tổng thể, ưu tiên những ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, không gây nguy hại cho môi trường, đồng thời kiên quyết từ chối những dự án đi ngược lại những tiêu chí trên để bảo đảm phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Nhìn chung, các dự án thuộc về lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất sạch, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiết kiệm năng lượng sẽ "rơi" vào tầm ngắm của cơ quan hữu quan.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, để đạt mục tiêu giải ngân trong năm 2011 từ 11 đến 11,5 tỷ USD, các cơ quan hữu quan, địa phương phải nỗ lực và chủ động hơn trong công tác điều hành, quản lý. Bộ sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho DN, đôn đốc thực hiện giải ngân, nghiêm khắc xử lý các vi phạm, nhất là tình trạng bỏ đất trống, chậm tiến độ triển khai; hướng các dự án và hoạt động thu hút vốn ĐTNN đi vào thực chất hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chạy theo số lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.