(HNM) - Tuần học đầu tiên đối với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội năm nay
Theo Công văn số 5478/BGDĐT - GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục tiểu học năm học 2013-2014, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành ngày 8-8-2013, "đối với việc đánh giá HS lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học". Chủ trương này được ban hành trên tinh thần tiếp thu sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau khi có nhiều ý kiến cho rằng việc chấm điểm HS khi các em vào học lớp 1 dẫn đến sự so sánh, ganh đua giữa những HS biết đọc, biết viết với những em chưa biết gì. Phụ huynh bị kéo vào cuộc đua giành điểm số cao, dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người cho con học trước chương trình. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Ở lớp 1 thì không cần chấm điểm, vì hết lớp 1 chỉ yêu cầu HS biết đọc, biết viết, có 7, 8 hay 9, 10 điểm gì thì các em đều được lên lớp cả, vì vậy chỉ cần nhận xét, không cần chấm điểm.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh có vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học. Ảnh: Khánh Nguyên |
Trong khi dư luận vẫn đang bàn thảo về điều hay, lẽ dở của chủ trương trên thì đến tối 12-8, tức chỉ 4 ngày sau khi ban hành, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh lại quy định trên. Theo quy định mới, "đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm HS. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình HS".
Sự điều chỉnh này một lần nữa hâm nóng sự quan tâm của dư luận đối với một chủ trương lần đầu tiên được áp dụng đại trà tại các nhà trường ngay trong năm học 2013-2014. Có thể thấy rõ, từ thông tin phản hồi của dư luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhận ra chủ trương mới ban hành đã vấp phải quy định của Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT đang có hiệu lực (yêu cầu giáo viên đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét), vì vậy Bộ GD-ĐT đã phải điều chỉnh lại.
Chưa biết hiệu quả thực tế triển khai tại cơ sở ra sao, song sự điều chỉnh liên tiếp chỉ trong vài ngày của Bộ GD-ĐT với một chủ trương mới cho thấy sự lúng túng của cấp quản lý trong điều hành, chỉ đạo. Rõ ràng, việc xây dựng, ban hành chủ trương chưa bám sát thực tế. Sự lúng túng của lãnh đạo Bộ GD-ĐT phần nào khiến dư luận không yên tâm, làm nảy sinh âu lo không đáng có.
Người mừng, kẻ lo
Với đa số phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, thông tin trên có lẽ là tin vui, giúp họ giải tỏa phần nào những âu lo, căng thẳng. Bởi lẽ, như nhận định của các nhà quản lý giáo dục, tình trạng phụ huynh đổ xô cho con đi học trước chương trình hoàn toàn do "tâm lý đám đông", không phải vì lợi ích, nhu cầu của trẻ. Đã có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia tâm lý, sức khỏe về tác hại của việc "ép non", thậm chí cả lệnh cấm của ngành chức năng, nhưng phụ huynh vẫn phớt lờ. Chị Nguyễn Thu Anh, phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (Đống Đa) cho rằng, với quy định mới này, các con sẽ bớt tâm lý ganh đua về điểm số với các bạn cùng lớp; phụ huynh cũng không phải cố xoay xở để đạt bằng được mục tiêu có bảng điểm đẹp cho con.
Còn ở các nhà trường thì sao? Dù còn hai tuần nữa mới bắt đầu thời gian thực học song nhiều giáo viên (GV) khá lo lắng. Việc khuyến khích GV chỉ nhận xét, không chấm điểm HS lớp 1 được cho là giải pháp tốt, giúp giảm áp lực đối với HS song đối với các GV tiểu học năm nay, nhất là ở những trường công lập khu vực nội thành thì đó là thách thức không nhỏ bởi họ phải nhận xét chi tiết về từng HS (sự tiến bộ hoặc những điểm cần cố gắng - quy định của Bộ GD-ĐT) thay vì chỉ cần ghi điểm số. Nếu làm qua loa, lấy nhận xét của HS này áp cho HS kia thì quy định mới sẽ không còn ý nghĩa, phụ huynh chắc không hài lòng khi thấy những lời nhận xét của GV chung chung, hao hao giữa các môn học và giữa bạn này với bạn kia…
Có một điều nữa khiến GV băn khoăn, đó là việc giảm áp lực cho HS bằng những lời nhận xét nhẹ nhàng theo hướng động viên, khuyến khích dễ khiến phụ huynh chủ quan, không nắm rõ thực lực của con. Việc đánh giá bằng điểm số thường khiến phụ huynh dễ nhìn nhận cụ thể về khả năng tiếp thu của con, thậm chí còn có tác dụng đánh động để phụ huynh quan tâm hơn tới việc học của con cái. Vì vậy, vẫn cần thiết phải đánh giá HS qua điểm số. Thế nhưng, điều này lại trái với quy định của Bộ GD-ĐT là "không nên thông báo điểm số cho gia đình HS". Ý kiến của hiệu trưởng các trường đều cho rằng, để tránh sự so sánh, ganh đua, các thầy cô có thể không công khai kết quả chấm điểm trước lớp, song phải thông báo đến từng phụ huynh. Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định, trong đó yêu cầu các trường phải thực hiện "ba công khai", một trong số đó là phải công khai chất lượng giáo dục thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá HS có vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học, giúp người dạy kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy cho hiệu quả, hỗ trợ người học nhận ra mặt còn tồn tại để mà cố gắng. Vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là chọn cách đánh giá nào, mà quan trọng hơn là sử dụng kết quả đánh giá ấy ra sao cho hiệu quả, phản ánh đúng chất lượng dạy- học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.