(HNMO) - Chiều 9-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo của Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng đoàn công tác trình bày cho biết, giai đoạn từ 1-1-2018 đến nay, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa được thực hiện thống nhất thông qua Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Về tình hình thu, chi Quỹ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dư đến 1-1-2013 là 16.215 tỷ đồng, trong giai đoạn 2013-2018, tổng số thu là 257.497 tỷ đồng (trong đó 186.534 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước). Tổng số chi là: 221.643 tỷ đồng. Trong đó, phần nộp 155.000 tỷ đồng vào ngân sách theo Nghị quyết số 26/2016/QH13 của Quốc hội. Phần còn lại 66.643 tỷ đồng thực hiện chi hỗ trợ lao động dôi dư, chi bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước, chi đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Số dư bằng tiền tại thời điểm ngày 31-12-2018 là 52.067 tỷ đồng.
Cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất... Điều này gây khó khăn cho một số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa.
Điển hình như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên tài khoản tạm thu tương ứng là hàng nghìn tỷ đồng, trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết. Hai địa phương đã phải có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất xin sử dụng nguồn vốn này, trong khi theo Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu này đương nhiên thuộc ngân sách địa phương.
Đoàn công tác kiến nghị, không cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13).
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Chúng ta chưa thực hiện đúng Luật Ngân sách Nhà nước”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải hiểu đúng nghị quyết của Trung ương, đó là quy định thu ngân sách tập trung, không đưa vào ngân sách chi thường xuyên, nhưng dành một phần cho chi đầu tư, phát triển. Hiến pháp đã quy định rất rõ tất cả các khoản thu của Nhà nước phải được đưa vào ngân sách, tất cả khoản chi của Nhà nước phải được dự toán và chi theo dự toán.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí cho rằng, không cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thậm chí không cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13).
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Đoàn công tác cho rằng: Không cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội về Quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước; đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật có liên quan.
* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất hướng tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án luật. Tuy nhiên, cần rà soát lại một số điểm để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan.
Về mô hình của Sở giao dịch chứng khoán, đồng chí khẳng định chỉ có một Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc đặt ở đâu do Chính phủ quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo luật, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.