(HNM) - Tết Dương lịch 2013 đã cận kề nhưng nhiều tuyến đường trung tâm TP Hồ Chí Minh vẫn đang ngổn ngang, dày đặc
Tại ngã tư đường Lý Tự Trọng giao Trương Định (quận 1), một "lô cốt" dài khoảng 50m chiếm 1/2 bề rộng tuyến đường khiến cho tình hình giao thông ở khu vực này hỗn loạn, kể cả những lúc không cao điểm. Theo quan sát, mặc dù đã gần 9h sáng nhưng các phương tiện vẫn phải xếp hàng dài và để vượt qua điểm "thắt cổ chai" này phải mất trên 10 phút. "Lô cốt" trên thuộc công trình di dời tuyến cáp ngầm 220KV Nhà Bè - Tao Đàn do Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn thực hiện.
Tương tự, "lô cốt" trên đường Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh) có chiều dài hơn 100m, gây nhiều cản trở. Điều đáng nói, các công nhân trong lúc thi công đã không che chắn. Cảnh bụi mù lúc trời nắng, lầy lội khi mưa xuống thường xuyên diễn ra. Cũng thuộc quận Bình Thạnh, một lô cốt có chiều dài khoảng 70m án ngữ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25) từ tháng 10 đến nay, khiến cho người dân quanh khu vực này phải sống trong cảnh "mở mắt là thấy lô cốt".
Theo Thanh tra Sở GTVT, hiện TP có 55 vị trí rào chắn trên đường bộ, phục vụ thi công các công trình, dự án trên 19 tuyến đường. Thanh tra Sở đã lập 23 biên bản vi phạm với các lỗi: Không có giấy phép thi công; để vật liệu, đất đá, phương tiện ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông… Được biết, trong năm 2012, hơn 100km mặt đường bị đào lên để thi công các hạng mục của hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, các công trình điện lực, viễn thông.
Tuy nhiên, thiệt hại của các hộ kinh doanh trên các tuyến đường có “lô cốt” án ngữ thì không ai nhắc tới. Chị Tô Thị Hằng (ngụ đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) bức xúc: "Lô cốt" được dựng lên và bọc kín mọi lối đi kể từ tháng 7 tới nay. Doanh thu nhà tôi giảm đến 50%, trong khi nhiều cửa hàng nhỏ cạnh bên đã phải đóng cửa do không có khách. Nếu trong dịp tết, tình trạng trên vẫn tiếp diễn thì tôi chỉ có nước đóng cửa hàng".
"Những rào chắn công trình - DV này đang "siết" chặt người dân sống gần đây. Từ ngày có “lô cốt”, cửa hàng của tôi chỉ bán được cho những khách quen, thu nhập giảm 70% so với trước đó, trong khi sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Điều đáng nói, trong các giờ cao điểm, xe cộ phải chạy lên cả lề đường, khiến cho vỉa hè bị bong tróc, xuống cấp nghiêm trọng" - chị Phạm Thị Nguyệt, chủ cửa hàng bán gạo (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), cũng bức xúc.
Trước bức xúc của dân, mới đây, Sở GTVT TP đã ra thông báo sẽ tạm ngừng thi công tất cả công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường trong thời gian từ ngày 31-12-2012 đến hết ngày 1-1-2013, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP trong dịp Tết dương lịch 2013. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng là đến bao giờ cơ quan chức năng mới giải tỏa được các “lô cốt” án ngữ mặt đường, gây ách tắc giao thông, cho dân đỡ khổ, nhất là các hộ kinh doanh buôn bán ở hai bên đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.