(HNMO) - Sáng 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
8 bị cáo lĩnh án chung thân, tử hình vì tham nhũng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019).
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).
Song song, ngành Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng. Các cơ quan điều tra trong ngành Công an đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019).
Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình 8 bị cáo.
Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01% so với cùng kỳ năm 2019).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, ngoài những kết quả tích cực đã đạt được, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu tồn tại qua nhiều năm. Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thời gian tới, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra năm 2019 về việc đánh giá, nhận diện tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Tham nhũng vẫn phức tạp trên nhiều lĩnh vực
Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác này. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ đó là có hay không việc 5 doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá “cắt cổ” vì không còn con đường nào khác. Đại biểu nêu vấn đề tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Cho rằng công tác thi hành án, thu hồi tiền, tài sản thất thoát tại các vụ án tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn Hậu Giang) nêu thực tế, công tác thu hồi tiền do tham nhũng và các tội phạm về kinh tế cũng mới chỉ đạt trên 43%.
“Cử tri kiến nghị cần hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt tham nhũng mà có, đồng thời kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị.
Còn đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) nhận định, tham nhũng đã và đang diễn ra vô cùng tinh vi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, thuế, đất đai, tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và các lĩnh vực nhạy cảm khác mà dư luận cử tri cũng như báo chí đã phản ánh nhiều lần; đòi hỏi các cơ quan chức năng và Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh buông lỏng, tạo kẽ hở cho các đối tượng tham nhũng, trục lợi một cách ngang nhiên.
Kiến nghị một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho tuyên truyền viên cơ sở làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, trong đó cần có các giải pháp hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của người đứng đầu và công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị đối với việc chấp hành pháp luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhằm khắc phục hạn chế, trong thực tế, thời gian qua, khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng rất khó xử lý bảo đảm đúng quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.