Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông nguồn vốn

Quỳnh Anh| 08/05/2023 06:20

(HNM) - Vốn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển kinh tế; là điều kiện đầu tiên quyết định sự tồn tại, tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu thiếu vốn thì doanh nghiệp, người dân sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiểu rõ tài chính là huyết mạch quan trọng, dẫn dắt doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi và phát triển nên Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận với nguồn vốn chính sách. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, trong đó có chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất, cho vay ưu đãi... Kết quả, hàng nghìn tỷ đồng vốn vay ưu đãi đã đến tay doanh nghiệp, người dân. Có vốn, doanh nghiệp, người dân duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bước đầu vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Doanh nghiệp là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, lực lượng này lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình trạng bế tắc do không “xoay” được vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, một phần do khó tiếp cận vốn tín dụng bởi nhiều nguyên nhân, phần khác do lãi suất cho vay quá cao.

Từ cuối tháng 3-2023, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng quanh mức 8-9%/năm. Với mức đầu vào này, lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến ở mức 10-12%/năm, có nơi kéo lên 13-14%/năm. Lãi vay cao tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường khó khăn, đơn hàng sụt giảm, sức mua yếu. Trước thực tế này, ngày 25-4 vừa qua, Thường trực Chính phủ họp với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới. Tại cuộc họp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: “Các ngân hàng thương mại nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để giảm chi phí, giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát, tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp”.

Giảm lãi suất cho vay - đó là “mệnh lệnh” của người đứng đầu Chính phủ và cũng là mong mỏi của các doanh nghiệp. Bởi lãi suất cao làm giảm khả năng cạnh tranh và cản trở quá trình phục hồi, phát triển của doanh nghiệp. Hạ lãi suất đầu vào - đầu ra sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, nước ta vẫn kiểm soát hiệu quả lạm phát. Do đó, việc giảm lãi suất kết hợp thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tín hiệu đáng mừng là tại họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 5-5 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm... Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ngành Ngân hàng cần nghiên cứu, tính toán để giảm lãi suất ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Không chỉ giảm lãi suất cho vay, ngành Ngân hàng cũng cần xem xét giãn, hoãn nợ và linh hoạt hơn trong chính sách cho vay.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa. Từ đó mới có thể tạo cú hích tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân hấp thụ nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Kết thúc quý I-2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm; trong khi lạm phát ở mức 4,18%, khá cao so với cùng kỳ. Nếu chủ động các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý và hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, nguồn vốn được khơi thông, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để khôi phục và mở rộng sản xuất, kinh doanh, chắc chắn nền kinh tế sẽ tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023 là tăng trưởng GDP đạt 6,5%, lạm phát được kiềm chế ở mức 4,5%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông nguồn vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.