Hà Nội luôn đặt nhân tố con người ở vị trí trung tâm * Báo chí có vai trò quan trọng trong việc xây dựng người Thủ đô thời kỳ mới
Hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, khoa học để làm rõ hơn, hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa và con người ở Thủ đô trong 3 thập niên gần đây. Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa; văn hóa với vai trò là nguồn lực nội sinh của sự phát triển; xây dựng con người Hà Nội phát triển toàn diện với tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống mới gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trí tuệ... là yếu tố then chốt để Thủ đô phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai. Ảnh: Bá Hoạt |
Phát triển văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nhận định, công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đem lại sự chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đất nước và Thủ đô. Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ năm 2008 càng giúp cho công cuộc phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh khởi sắc. Tuy vậy, sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội của Thủ đô vẫn chưa xứng với truyền thống lịch sử, bề dày văn hóa hàng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và vị thế của một Thủ đô. Biểu hiện rõ nhất là đời sống tinh thần của một bộ phận người dân có mặt xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, tội phạm ngày càng trẻ hóa, truyền thống thanh lịch phai nhạt, mai một dần…
Đồng tình với nhận định trên, GS Trần Văn Bính (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) nói: “Sau Đổi mới, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có trình độ cao về dân trí; đi đầu trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy tốt giá trị của di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư; tập trung được đội ngũ lớn trí thức, văn nghệ sĩ... Đó là vốn quý trong thời đại nhân loại coi trọng kinh tế tri thức”. Tuy nhiên, GS Trần Văn Bính đặt câu hỏi: “Tại sao, có lúc, có nơi người ta sẵn sàng hy sinh văn hóa để làm kinh tế, sẵn sàng từ bỏ danh hiệu di sản văn hóa để lấy chỗ làm kinh doanh?”.
TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, chưa bao giờ sản phẩm văn hóa có cơ hội thể hiện như những năm vừa qua. Điều này thực sự đúng đắn trong đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước và sự ứng dụng linh hoạt các chính sách của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sự nhận thức về cách khai thác nguồn lực văn hóa để phục vụ phát triển còn có điều chưa đúng. Xuất hiện cách hiểu đơn giản là khai thác cùng kiệt tiềm năng, tiềm lực văn hóa để biến thành tiền, mở ra cơ hội làm ăn cho một số cá nhân, tổ chức. Cách này giúp có thêm thu nhập nhưng quan hệ giữa văn hóa và phát triển có sự xung đột.
PGS Bùi Hoài Sơn (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) cho rằng, Hà Nội có quá nhiều điều để tự hào nhưng lại thiếu những khu giải trí nghệ thuật sáng tạo, chưa có những sự kiện mang đặc trưng văn hóa Hà Nội. Đó cũng là nhận định của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên.
Ý kiến phân tích dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn kể trên phần nào cho thấy, việc xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội đòi hỏi phải có sự đổi mới về tư duy quản lý và cách thức triển khai, giải pháp thực hiện.
Xây dựng con người - yếu tố then chốt
Ở Hà Nội, trong các kỳ Đại hội Đảng từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ thành phố đặc biệt coi trọng yếu tố con người, xác định xây dựng văn hóa Thủ đô cần tập trung vào việc xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo của cộng đồng và yêu cầu nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân. “Nhờ đó, lòng tự trọng bắt nguồn từ ý thức dân tộc, trân trọng và tự hào truyền thống vẻ vang của người Hà Nội không những được duy trì, mà còn đang phát triển thành ý thức không cam chịu nghèo hèn, lạc hậu, lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp, xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao… Các ngành, đoàn thể chức năng của thành phố cũng đã phát động các phong trào thi đua xây dựng con người văn hóa, như MTTQ với phong trào Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, Hội Cựu chiến binh vận động hội viên gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư…”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhấn mạnh.
Liên quan đến nhận định nói trên, ThS Trần Thị Hiên và Vũ Ngọc Hoa (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) đã đưa ra kết quả nghiên cứu thực tế về phẩm chất đặc trưng của người Hà Nội. Theo đó, phẩm chất đặc trưng của người Hà Nội trong thời kỳ Đổi mới được thể hiện qua nhiều yếu tố: Tính chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến; chất tài hoa, lãng tử; ứng xử hào hoa, phong nhã; tinh thần yêu nước; lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình; tính chừng mực, vừa phải; lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo và thanh lịch, văn minh… Sự thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua lời nói thanh, đẹp, phát âm chính xác, qua trang phục gọn gàng, hài hòa, trang nhã, đúng với vị thế công việc; qua sự tinh tế trong cách thưởng thức và chế biến món ăn…
Từ kết quả khảo sát thực tế đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội, TS Nguyễn Đình Dương (Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết: Hơn 90% học sinh, sinh viên cho rằng tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc là những giá trị đạo đức, giá trị tư tưởng quan trọng; 75-85% học sinh, sinh viên khao khát muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước và có lý tưởng, hoài bão lập thân, lập nghiệp; 97% số người được hỏi biết khái quát về lịch sử và truyền thống văn hóa của Thủ đô…
Lạc quan, tin tưởng vào kết quả, thành tựu đạt được nhưng nhiều đại biểu vẫn tỏ ý lo ngại trước sự xuống cấp, suy thoái về lối sống, lối ứng xử của người Hà Nội hiện nay, cho rằng sự đi xuống ấy làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của Thủ đô. Như PGS Nguyễn Chí Mỳ khẳng định, tính trung thực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí, coi trọng trí tuệ và đạo đức của người Hà Nội đang bị xói mòn nghiêm trọng vì nhiễm lối sống chạy theo tiền bạc, danh lợi; thái độ cục cằn, thô lỗ, biểu thị ý thức không tôn trọng mình, thậm chí không biết ngượng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở lớp trẻ. Đáng lo ngại hơn, một số cơ quan công quyền chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu và lợi ích của nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tính chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử…
Rõ là, việc xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại là điều kiện quan trọng để Hà Nội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và phát triển nền văn hóa. Vì thế, một số biểu hiện đi xuống về văn hóa của người Hà Nội rất cần được chấn chỉnh.
Xây dựng hệ giá trị đặc trưng
Để việc xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội có tác động ngày càng tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội, PGS Bùi Hoài Sơn đưa ra ý tưởng xây dựng thương hiệu văn hóa cho Hà Nội. Theo PGS Bùi Hoài Sơn, Hà Nội có thể tận dụng điều kiện thuận lợi để lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2 năm/lần để phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng thương hiệu cho thành phố; tổ chức Tuần lễ thời trang Hà Nội để phát triển công nghiệp thời trang, Tuần lễ ẩm thực Hà Nội để quảng bá đặc sản Hà Nội; Tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ hay một “tuần lễ tổng hợp” như Amazing Hà Nội - tương tự thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tổ chức “Hi! Seoul Festival” hay Tokyo (Nhật Bản) với Festival Tokyo… Để xây dựng thương hiệu văn hóa, các cơ quan chức năng cần nhận rõ vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của Thủ đô, cần có chiến lược phát triển khả năng sáng tạo cũng như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên, trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội, cần quan tâm hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, đồng thời tổ chức có hiệu quả các hoạt động mang đậm dấu ấn Hà Nội.
Bàn về giải pháp xây dựng con người Hà Nội, TS Nguyễn Đình Dương cho rằng các cơ quan chức năng nên đổi mới cách thức tuyên truyền về tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các nhà trường cần tăng thời lượng giáo dục đạo đức, lối sống; đưa tiêu chuẩn xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa đô thị… làm điều kiện cần và đủ trong công tác đánh giá, bình xét các phong trào thi đua; gắn tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”…
Đánh giá cao Chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới cần hội đủ các phẩm chất: Yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; trung thực, tự trọng, nghĩa tình; có tri thức, năng động, sáng tạo, thích ứng với yêu cầu của cơ chế thị trường; tiêu biểu cho phong cách lao động mới; có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống… Các phẩm chất chung này cần được cụ thể hóa cho phù hợp với các cơ quan, đơn vị, với mỗi gia đình và các tầng lớp nhân dân…
Những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa sẽ được Thành ủy Hà Nội chắt lọc, tiếp thu để từng bước xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết “Xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn Hà Nội qua 30 năm Đổi mới”; đồng thời tạo cơ sở xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trong lộ trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến:Hà Nội luôn đặt nhân tố con người ở vị trí trung tâm |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.