Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông nguồn lực chứng khoán

Đan Nhiễm| 24/02/2018 06:53

(HNM) - Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam (một thành tố quan trọng của thị trường tài chính quốc gia) có sự tăng trưởng ấn tượng, cao nhất tại khu vực Châu Á. Tiếp đà này, 2018 sẽ là năm bản lề trong giai đoạn 2016-2020, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng


Vấn đề đặt ra là để đạt mục tiêu trên, cần phải nhìn nhận đúng những thời cơ cũng như “nút thắt” hiện nay.

Thuận lợi lớn để thị trường chứng khoán năm 2018 “thăng hoa” là tín hiệu từ phát triển kinh tế vĩ mô trong gần 2 tháng đầu năm luôn ở mức khả quan. Đặc biệt, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời cam kết đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tạo hiệu ứng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, như đã làm rất thành công trong kỳ cổ phần hóa tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cuối năm 2017. Muốn vậy, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở những nhóm ngành có khả năng phát triển tốt như ngân hàng, viễn thông… cần phải nhanh hơn, nhằm đưa vào thị trường thêm nhiều “món hàng” hơn.

Mặt khác, vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán cần phải được xem xét thấu đáo hơn, bởi hiện nay, xét về quy mô thì phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam đều có quy mô nhỏ do vốn hóa các doanh nghiệp trong nước thường ở mức thấp. Ngoài ra, dù pháp luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 100% vốn của các doanh nghiệp, trừ các ngành nghề có điều kiện, nhưng việc thực hiện còn nhiều trở ngại. Sở dĩ như vậy là do danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng; doanh nghiệp vận dụng việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài chưa thống nhất và thay đổi thường xuyên, gây khó khăn trong công tác quản lý. Trên thực tế cũng chưa có cách hiểu thống nhất về quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được tính trên vốn có quyền biểu quyết hay vốn điều lệ của doanh nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; một số doanh nghiệp vận dụng chính sách room (khối lượng cổ phiếu lớn nhất mà nhà đầu tư được phép mua hoặc là tỷ lệ sở hữu tối đa) không thống nhất và thay đổi thường xuyên,...

Về thực hiện đăng ký giao dịch, hiện vẫn chưa có căn cứ pháp lý yêu cầu các công ty đăng ký trên thị trường giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) bắt buộc công bố thông tin theo quy định. Đồng thời, còn thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn các công ty đại chúng không có báo cáo tài chính trước năm đăng ký giao dịch; thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn doanh nghiệp chào bán riêng lẻ để hoán đổi nợ cũng như xác định lại giá trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đáng lưu ý, việc kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm về thao túng thị trường, cung cấp thông tin nội gián nhằm lũng đoạn thị trường còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn do Ủy ban Chứng khoán nhà nước không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đối tượng, cá nhân cung cấp thông tin. Mặt khác, hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán cần có bước đi thận trọng, không làm xáo trộn thị trường, trên cơ sở các nguyên tắc kinh tế thị trường. Các công ty chứng khoán cũng cần nâng cao khả năng quản trị rủi ro, cải thiện dịch vụ cho khách hàng, bảo đảm các phiên giao dịch vận hành suôn sẻ.

Để thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn, dẫn dắt nền kinh tế phát triển, những bất cập trên rất cần được nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp là việc cần làm nhất hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông nguồn lực chứng khoán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.