Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông dòng vốn cho sản xuất nông nghiệp

Bạch Thanh| 06/01/2014 06:25

(HNM) - Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân tăng 25,3%/năm, giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất.

Hiện tổng dư nợ cho vay của hệ thống tín dụng Hà Nội đạt gần 30.000 tỷ đồng, phục vụ hơn 500.000 lượt khách hàng vay vốn và vẫn còn gần 300.000 khách hàng còn dư nợ. Một trong những đơn vị đi đầu về cho vay tam nông là Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây. Song song với việc tăng nguồn vốn, Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây đã đẩy mạnh quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Nhận thức được vai trò chủ lực trong việc thực hiện Nghị định 41, Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, biện pháp thực hiện… Để phục vụ tốt người vay, các ngân hàng tuyến huyện, thuộc hệ thống Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây đã tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các điểm giao dịch, nhân sự… nhằm tạo thuận lợi cho việc giao dịch của người dân.

Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây Đinh Việt Dụ cho rằng, với lãi suất 9% năm như hiện nay, đa số nông dân rất hài lòng. Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây đang phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cho vay tín chấp thông qua các tổ vay vốn và hiện 100% số xã trên địa bàn hoạt động của đơn vị có tổ nhóm hoạt động với 1.300 tổ nhóm, dư nợ cho vay qua tổ nhóm tín chấp lên tới 757 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, vốn tín dụng ngân hàng đã về với nông thôn, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp; cải tiến và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; duy trì và phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống ở nông thôn. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, song tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn cho vay hạn chế; tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để xử lý rủi ro, hỗ trợ khách hàng; tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại và xác nhận giấy tờ vay vốn ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn, đến việc sản xuất, kinh doanh mang nhiều tính thời vụ ở

địa bàn nông thôn… Hiện nhiều phường của các quận Hoàng Mai, Hà Đông vẫn còn sản xuất nông nghiệp, trong khi đó quy định của Nghị định 41 chỉ áp dụng cho khu vực nông thôn. Hơn nữa, phía ngân hàng sẵn sàng ủng hộ chủ trương đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cần linh hoạt để nông dân mua được những máy móc, thiết bị phù hợp với nhu cầu sản xuất, không cứng nhắc phải bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa 60% như hiện nay... Mặt khác, phải tính toán xem mỗi xã, vùng cần mua bao nhiêu máy cấy, máy gặt đập liên hợp là vừa đủ và phối hợp với các tổ chức, cá nhân có khả năng vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới tỷ lệ cho vay của chương trình cơ giới hóa còn thấp so với nhu cầu thực tiễn.

Để khai thông dòng vốn cho tam nông và các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn trở nên thiết thực, hiệu quả hơn, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc tạo nguồn vốn, cần có sự chủ động, tích cực hơn của các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, thủ tục, hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là việc triển khai và ban hành các văn bản pháp luật về đất đai; tăng cường tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông dòng vốn cho sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.