Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi sắc vùng cao Yên Trung

Nam Phong| 24/03/2013 06:59

(HNM) - Mảnh đất Yên Trung (Thạch Thất) một thời nghèo khó nay đã đổi khác rất nhiều. Thôn Hương, trước đây là thôn

Từ huyện lỵ, thôn Hương là nơi xa nhất của Thạch Thất (cách hơn 30km). Dọc con đường dẫn vào thôn đã được bê tông hóa rộng rãi, chúng tôi bắt gặp từng tốp người gánh gồng, người thồ xe, người đi bộ, tiếng nói cười rộn rã. Trưởng thôn Nguyễn Văn Định hồ hởi khoe: "Thôn Hương giờ vẫn còn 5 hộ nghèo, chiếm 10%, nhưng đã giảm nhiều so với con số 50% hộ nghèo của 4 năm về trước. Số hộ có kinh tế khá cũng tăng, chiếm đến 60%, với nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản". Song điều khiến ông Nguyễn Văn Định vui nhất là trục giao thông chính 2km đã được bê tông hóa. Giao thông thuận lợi, việc giao thương với bên ngoài đã được đẩy mạnh, kinh tế các hộ được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, kể từ khi điện được kéo về, đến nay 100% hộ dân ở đây mua được ti vi; 30% hộ mua được tủ lạnh và một số hộ đã sắm máy giặt.

Điểm Trường Mầm non tại thôn Hương. Ảnh: Đỗ Chí


Anh Nguyễn Văn Dương, với mô hình chăn nuôi cá, lợn, gà, vịt và trồng rừng rất hiệu quả, thổ lộ: "Giàu thì chưa tới nhưng chịu khó chăn nuôi, trồng rừng như hiện nay, gia đình tôi cũng đủ ăn, con cái học hành đầy đủ. Với chúng tôi thế là hạnh phúc rồi, bởi ngày xưa cái khó, cái khổ kể không hết". Kinh tế đủ đầy, việc chăm lo học hành cho con em của các gia đình cũng được quan tâm hơn hẳn trước kia. Ngày trước, thôn Hương rất hiếm có học sinh tốt nghiệp THPT, hầu hết bỏ học từ bậc THCS, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì đi lại khó khăn. Bây giờ, các cháu đi học đầy đủ, một số đỗ đại học, cao đẳng, trong đó phải kể đến trường hợp đầu tiên đỗ đại học là cháu Nguyễn Thị Liên.

Người dân thôn Hương rất phấn khởi khi cuộc sống của họ đang đổi thay nhưng có lẽ, hưởng niềm vui trọn vẹn nhất là những em bé mầm non khi được vui chơi, học tập trong một lớp học khang trang, sạch đẹp. Cô giáo Nguyễn Thùy Nhâm, Chủ nhiệm lớp mầm non ở điểm trường thôn Hương, nhớ lại: "Cách đây 4 năm, khi nhận nhiệm vụ lên đây dạy học, tôi không khỏi chạnh lòng vì các cháu phải học trong ngôi nhà đơn sơ, thiếu thốn đủ đường. Khi ngôi trường mới hoàn thành, các cháu, ở đủ lứa tuổi của hệ mầm non trong thôn đã được ra lớp và được học bán trú, bảo đảm đủ chế độ dinh dưỡng như những trường ở dưới xuôi". Lớp học ở điểm Trường Mầm non thôn Hương mà cô giáo Nguyễn Thùy Nhâm và 3 cô giáo khác đang đảm trách có 22 cháu đang theo học ở các lứa tuổi từ 3 đến 5 tuổi.

Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết, trong những năm qua, người Kinh, người Mường ở Yên Trung đã nỗ lực rất nhiều để từng bước đẩy lùi cái nghèo. Đến nay, hạ tầng cơ sở trên địa bàn xã được đầu tư; 90% đường giao thông được bê tông hóa; trạm y tế, trường THCS và trường mầm non trung tâm được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia… Người dân từ chỗ cấy 1 vụ/năm, nay tăng lên 2 vụ, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Minh chứng rõ nhất cho những đổi thay trong đời sống của người Mường Yên Trung là hệ thống dịch vụ mọc lên khá sầm uất dọc hai bên tỉnh lộ 446.

Trước đây, Yên Trung là xã nghèo nhất Hà Nội với 30% hộ nghèo, đến nay chỉ còn 50 hộ nghèo (5,74%); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng năm 2008 lên 15 triệu đồng ở thời điểm này. Là xã miền núi, địa hình chia cắt, song đến nay, 100% hộ dân được dùng điện lưới; hơn 90% hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 100% trẻ em đúng độ tuổi được vào lớp 1...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc vùng cao Yên Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.