Nghị quyết và Đời sống

Khơi mở nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Nhiều tác giả 22/01/2023 07:15

Những nụ đào hồng bắt đầu hé nở. Xuân đang về trên mọi nẻo đường. Giữa những rộn ràng phấp phới mừng vui, có dịp điểm lại năm Nhâm Dần 2022, một trong những ấn tượng xuyên suốt là những quyết sách về văn hóa, con người Hà Nội. Làm gì để văn hóa Thăng Long - Hà Nội với bề dày nghìn năm tỏa sáng? Làm thế nào để khơi mở nguồn lực văn hóa trở thành động lực mới phát triển kinh tế - xã hội?

Với bề dày nghìn năm lịch sử, đất nước ta có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với những giá trị lớn lao. Trong bức tranh ấy, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vinh dự có mặt ở vị trí trung tâm. Thủ đô của chúng ta là “nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc”; “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” với những đặc trưng văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị. Hà Nội còn được thế giới mệnh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, được tôn vinh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... Đó là những giá trị đã trở thành thương hiệu, là tài sản không dễ gì có thể đong đếm được. Nói cách khác, đây cũng chính là "sức mạnh mềm" của Thủ đô.

Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội còn có thể hình dung một cách cụ thể hơn bởi hệ thống di sản vật thể và phi vật thể rất giàu có. Hà Nội đang sở hữu 5.922 di tích văn hóa, lịch sử; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới (Trung tâm Hoàng thành Thăng Long), 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố... Thành phố còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề chứa đựng những gam màu văn hóa hấp dẫn. Đó còn là gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt có 2 di sản được UNESCO ghi danh: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và Di sản tư liệu thế giới: 82 bia tiến sĩ Triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội to lớn là vậy, nhưng hiệu quả khai thác nhìn chung chưa xứng tầm, vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng.

Đảng ta đã chỉ rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Trong kết luận tại “Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” ngày 24-11-2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo tập trung thực hiện thật tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm, 4 giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc; xây dựng con người Việt Nam. Một trong những giải pháp cụ thể đó là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã đặt văn hóa vào trung tâm của sự phát triển của Thủ đô với yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Rõ ràng, khai mở nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chỉ là sứ mệnh lịch sử được trao truyền từ cha ông, mà còn là nhiệm vụ chính trị được Đảng, các đồng chí lãnh đạo Trung ương giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm đó, làm sao xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, Hà Nội đã thể hiện rõ quyết tâm và hành động; tập trung triển khai nhanh, cụ thể hóa Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa - Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (bên cạnh nghị quyết về công tác cán bộ), đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô.

Bắt tay vào thực hiện nghị quyết, Thành ủy đã chỉ đạo, UBND thành phố trình và HĐND thành phố thông qua quyết sách tập trung đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo với tổng vốn hơn 49.200 tỷ đồng vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa. Trong đó, riêng tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng cho 579 dự án. Văn hóa vẫn thường xuyên được quan tâm đầu tư, nhưng lần này, điểm khác biệt là thành phố đầu tư tập trung, đồng bộ, không chỉ rộng về quy mô, mà còn có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm.

Thành phố sẽ chú trọng đầu tư vào các di tích, di sản có sức lan tỏa mạnh, có khả năng trở thành những điểm đến hấp dẫn về du lịch như các dự án liên quan đến Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; nổi bật là Đền thờ Ngô Quyền và Điện Kính Thiên. Đây là những dự án khó, nhưng nhất định phải làm, bởi đó không chỉ là mong ước của bao thế hệ mà còn là nghĩa vụ đối với tổ tiên, cha ông.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội phát lệnh khởi công dự án Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 14-11-2022.

Trên thực tế, thành phố đã bắt tay ngay vào những công việc cụ thể. Trong hai năm 2021-2022 đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố), riêng năm 2022 đã tu bổ, tôn tạo 85 di tích. Tháng 11-2022 vừa qua, Dự án tu bổ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Hạ tại huyện Ba Vì đã được khánh thành. Cùng trong tháng này, Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại huyện Thường Tín cũng đã được khởi công. Tháng 12-2022 vừa qua, lần đầu tiên Hà Nội đã mang không gian quảng bá Di sản Hoàng thành Thăng Long đến triển lãm tại đô thị di sản Provins, vùng Ile-de-France, Cộng hòa Pháp... Những việc làm này đánh dấu quyết tâm của thành phố đưa văn hóa Thăng Long - Hà Nội đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du lịch, dịch vụ, tiếp sức cho thành phố đi lên.

Song song, Hà Nội luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các phong trào thi đua, các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, "Tổ dân phố văn hóa"; thực hiện nếp sống văn minh; phát triển văn hóa đọc; đưa giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh vào trong nhà trường phổ thông; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa ở cơ sở, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn... Chúng ta hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại, nhưng có chiều sâu về văn hóa, nơi bản sắc văn hóa nghìn năm tỏa ra từ lời nói, cử chỉ, việc làm, từ những ứng xử của con người trong gia đình, giữa cộng đồng và với bạn bè đến với Hà Nội.

Không chỉ có các chủ trương, biện pháp trực tiếp trong lĩnh vực văn hóa, những chương trình, kế hoạch, công trình, dự án thành phố triển khai thời gian qua đều hướng tới mục tiêu khơi mở nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nói cách khác, Hà Nội làm gì trước tiên cũng nghĩ tới văn hóa, vì văn hóa.

Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, hoàn thiện hàng loạt các quy định, quy chế trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; quyết tâm xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ...

Thành ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới tư duy theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn gắn với thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Không những đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, trong năm 2022, thành phố đã tạo bước đột phá, có người đánh giá là “cuộc cách mạng” khi phân cấp, ủy quyền hơn 700 thủ tục hành chính... Văn hóa công vụ lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đang từng bước hình thành.

Thành phố đã và đang khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Thành ủy đã quán triệt yêu cầu phải quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, giữ gìn bằng được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử... Đối với các quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch phân khu còn lại cũng phải lấy nền tảng là bảo tồn, phát huy các giá trị, những nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội... Việc quy hoạch 2 thành phố trực thuộc thành phố, đó là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai); đưa 5 huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng trở thành quận, trước tiên là hai huyện Đông Anh, Gia Lâm; xây dựng nông thôn mới hay bất kỳ quy hoạch cụ thể nào cũng phải tiếp cận trên tinh thần đó.

Hà Nội quyết tâm triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với một trong những mục tiêu là hình thành trục kết nối, nhằm tạo sức lan tỏa cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội và văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển các chuỗi du lịch, dịch vụ, tạo xung lực mới cho 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và bảo đảm an ninh xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với quyết tâm xây dựng Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các lãnh đạo thành phố Hà Nội khảo sát dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Thường Tín.

Chính nhờ coi trọng văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa, ý chí tự lực tự cường, trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua, xuất sắc hoàn thành toàn bộ 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5% và cao hơn mức tăng trưởng 8,02% của cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 332.089 tỷ đồng, đạt 106,6% dự toán pháp lệnh, tăng 2,5% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tăng 10,6% so với năm 2021. Ngành Du lịch phục hồi mạnh khi khách quốc tế tăng gần gấp 5 và tổng thu từ khách du lịch cũng tăng hơn 5 lần so với năm 2021. 

Đây là tiền đề để Hà Nội bước vào năm 2023 với quyết tâm lớn hơn nhằm giành được kết quả cao hơn, trong đó có lĩnh vực văn hóa, khơi mở thành công nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đây cũng là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, đồng thời các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác; thực hiện tốt chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xác định rõ tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa là đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm với ý chí cao nhất thực hiện thắng lợi 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2023, phấn đấu GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%; tập trung hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đặc biệt huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện bảo đảm tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trước hết là 7 quận, huyện có liên quan thực hiện cam kết bàn giao ít nhất 70% mặt bằng vào tháng 6-2023 để khởi công dự án theo kế hoạch...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) tạo sức lan tỏa, thấm sâu vào trong từng cộng đồng xã hội. Cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt rõ tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo, đó là phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Đồng thời, phải coi trọng phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; thấu suốt quan điểm văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực phát triển; xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Nhận thức sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố rằng, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là "Thành phố Vì hòa bình" và nay Hà Nội là "Thành phố sáng tạo". Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Bước vào năm mới, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025"; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chúng ta quyết tâm khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ; nêu cao lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân cùng chung tay vì mục tiêu để người Hà Nội sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự, xứng đáng với câu ca dao ngợi khen nét đẹp văn hóa của người Hà Nội: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".


Năm mới Quý Mão 2023 đã gõ cửa từng nhà, mang theo những nụ cười, nhành hoa, những ấm êm trong từng nếp nhà, những rộn ràng, tấp nập trên phố phường, thôn xóm... Mùa xuân, mùa của lễ hội, của sức sống, của niềm tin và hy vọng. Với hành trang là kinh nghiệm, bản lĩnh và quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã sẵn sàng cho hành trình mới, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết, với ý chí cao nhất để giành thắng lợi mới. Khơi mở nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội không dễ dàng, nhưng với sự chung sức, đồng lòng và ủng hộ của người dân, thành phố quyết tâm làm và sẽ làm bằng được.

Vào thời khắc thiêng liêng và đầy cảm xúc đón mừng xuân mới, thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, thân ái gửi tới toàn thể đồng chí, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Chúc toàn thể đồng bào, đồng chí, mỗi gia đình, mỗi người dân Thủ đô một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Mừng Xuân mới quyết tâm mới để giành thắng lợi mới!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi mở nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.