(HNM) - Hiện nay, cả nước đã có 1.729km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong đó, 1.163km đường cao tốc được đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2000 đến 2021. Và 566km đường cao tốc đưa vào khai thác trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay. Tức là trong 2 năm, số đường cao tốc hoàn thành bằng một nửa của giai đoạn 20 năm trước.
Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, với tinh thần “khó đến đâu tháo gỡ đến đó, khó ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng mắc cấp nào cấp đó giải quyết”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ pháp luật…
Thực tế cho thấy, mỗi tuyến cao tốc hoàn thành đã gia tăng việc kết nối giữa các địa phương, vùng, miền; rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đi lại, giao thương. Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. Quỹ đất vốn bỏ hoang được khai thác hiệu quả thành các khu đô thị mới, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thiết chế văn hóa…, mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế - xã hội.
Với các dự án đang triển khai, đã khởi công, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường cao tốc, trong đó, hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Lạng Sơn đến Cà Mau), là hoàn toàn khả thi. 3.000km đường cao tốc chính là không gian phát triển mới, tạo ra động lực mới cho các địa phương, các vùng, miền và cả nước, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược…
Nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết để hoàn thành mục tiêu trên. Cách làm mới, tư duy mới, đi cùng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức khoa học. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với bám sát thực tiễn, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, xử lý dứt điểm vướng mắc ngay tại công trường. Tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, đồng thuận với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đi đôi với quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng bố trí tái định cư của người dân bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ về hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ, để người dân sẵn sàng nhường đất, dời nhà cho dự án. Lựa chọn nhà thầu phù hợp, thực sự có năng lực, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ pháp luật; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho doanh nghiệp, không đùn đẩy trách nhiệm.
Dự lễ khởi công 3 dự án đường cao tốc, trong đó có đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh ngày 18-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2 yếu tố có tính chất quyết định với các dự án là bố trí đầy đủ vốn và mặt bằng thi công. 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt trong quá trình triển khai các dự án là: Bảo đảm chất lượng, tiến độ; bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm.
Với tinh thần này, các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu xây dựng các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.