(HNM) - Xuất bản sách về di sản đang là lựa chọn của nhiều tổ chức, cá nhân thời gian qua, góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Đây là tín hiệu vui cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để hướng đi này thuận lợi cũng như phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có thêm những giải pháp khơi thông mạch nguồn cho dòng sách vốn rất đặc trưng này.
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội và Nhà Xuất bản Thế giới vừa cho ra mắt cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” với cái nhìn bao quát, khá toàn diện về một dòng tranh dân gian đặc biệt nổi tiếng của đất nước. Qua sách, công chúng không chỉ thấy được xuất xứ, chiều dài lịch sử, mà còn cảm nhận được kỹ thuật điêu luyện đã làm nên tinh hoa đặc trưng cho dòng tranh độc đáo này.
Tham dự lễ ra mắt sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá, với gần 300 trang in màu cùng hơn 500 bức ảnh mô tả chi tiết, độc giả thấy rõ được hơi thở cuộc sống của làng tranh giữa những thăng trầm thời cuộc; quá trình vươn mình mạnh mẽ của dòng tranh thông qua những sản phẩm ứng dụng trong đời sống đương đại, đồng thời gặp lại những thể loại tranh tưởng như đã thất truyền.
Trước đó không lâu, cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” ra mắt công chúng đã được người hâm mộ tìm mua hết, đến mức hiện nay không còn ấn bản nào trên thị trường.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, đồng tác giả cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” cho biết: “Nhiều người lùng mua không được đã tìm đến tôi đề nghị tái bản, cho thấy sự yêu thích đối với ấn phẩm cũng như một dòng tranh tưởng như chìm vào quên lãng. Điều này càng thôi thúc chúng tôi tiếp tục dấn thân vào con đường tìm tòi, nghiên cứu, cho ra mắt những ấn phẩm về di sản một cách bài bản, chất lượng, hấp dẫn nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng”.
Trước đây, sách về di sản thường xuất phát từ các nghiên cứu của các đơn vị, tổ chức hay học giả “lão làng”. Những năm gần đây, lĩnh vực này bắt đầu thu hút đa dạng đối tượng cũng như lứa tuổi tham gia hơn. Điểm chung của các tác giả là tình yêu vô hạn với di sản. Trong đó có không ít tác phẩm mất từ 5 đến 10 năm điền dã tìm tòi để tập hợp tư liệu, hoàn thiện.
Có thể kể đến nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quang Đức với ấn phẩm “Ngàn năm áo mũ”; nhóm Đại Việt Cổ Phong với sách “Hoa văn Đại Việt”; họa sĩ Trần Hậu Yên Thế với các tác phẩm “Song xưa phố cũ”, “Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa”…
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa” của Trần Hậu Yên Thế có thể nói là một trong những ấn phẩm kỹ nhất từ trước đến nay đối với một đề tài là linh vật cổ. Đây là tài liệu quý cho việc khẳng định giá trị của linh vật thuần Việt, nhằm đẩy lùi hiện tượng “xâm thực” của linh vật ngoại lai.
Đầu tư cho sách về di sản
Việc ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tôn vinh, quảng bá di sản thông qua hoạt động xuất bản sách cho thấy một tín hiệu vui với công tác bảo tồn, lưu trữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt. Với nhiều cách làm khác nhau, sách về di sản đang góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng, để công chúng cảm nhận sâu sắc cái đẹp, cái quý, qua đó khơi dậy tình yêu, trách nhiệm gìn giữ di sản trong đời sống hiện đại.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà Xuất bản Thế giới, phần lớn tác giả vẫn phải “tự bơi”, từ kinh phí tổ chức đến chọn lọc thông tin trong quá trình khảo sát, nghiên cứu. Chưa kể, sách về di sản, cơ bản vẫn chưa dễ tiếp cận với đông đảo công chúng và số đầu sách được yêu thích chưa nhiều.
Trưởng nhóm Đại Việt Cổ Phong Cù Minh Khôi cho biết, quá trình thực hiện dự án sách Hoa văn Đại Việt gặp không ít khó khăn. Nhiều hiện vật rất khó để đồ họa lại, vì trải qua một thời gian dài, nhiều chi tiết đã bị rạn nứt, phong hóa, không còn nguyên bản. Hơn nữa, kinh phí đều đến từ nguồn gây quỹ cộng đồng nên không được ổn định.
Để hỗ trợ, động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư cho dòng sách di sản, theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, cần có cơ chế khuyến khích xây dựng các quỹ hỗ trợ, lựa chọn đầu tư những cuốn sách thật sự giá trị, góp phần khuyến khích, "khơi thông" dòng chảy sách di sản.
Đối với việc nâng cao tính hấp dẫn, thu hút rộng rãi công chúng tìm đến sách về di sản, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: “Sách về di sản không chỉ là những đóng góp về chuyên môn, mà còn kích thích mọi người suy nghĩ và chia sẻ. Tôi mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín đứng ra tư vấn, hỗ trợ để các tác phẩm sách về di sản có đề tài mới mẻ, hấp dẫn, được tổ chức một cách chất lượng, đúng trọng tâm hơn nữa”.
Vào cuối năm 2018, cuốn sách "Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại" đã gây sự chú ý với độc giả. Ðiểm đặc biệt ở cuốn sách là được Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương tài trợ kinh phí, với sự đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa.
“Các cá nhân, tổ chức làm sách di sản nên thử sức với việc kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế để sách di sản được đầu tư bài bản, hiệu quả, hấp dẫn độc giả hơn” - Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý gợi ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.