Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi gợi tài năng, tâm huyết, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo

Nguyễn Quang Hưng| 09/10/2022 05:23

(HNMCT) - Như một nhu cầu tự thân và cũng là một mong mỏi, giới nghề và công chúng vẫn luôn nhắc đến văn học nghệ thuật về đề tài Hà Nội trong tâm thế phải có được nhiều hơn những tác phẩm mang được hơi thở thời cuộc, chuyển tải được hình tượng người Hà Nội hôm nay, xứng đáng với lịch sử nghìn năm hào hùng của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Để chạm tới điều đó, không cách nào khác hơn là phải có được những bước đi đúng đắn, tạo dựng môi trường kích hoạt sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ hướng về Thủ đô.

Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2022 thu hút nhiều người yêu nghệ thuật tới thưởng lãm. Ảnh: Thanh Bình

1. Nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động (2016 - 2021), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đánh giá: Cái chung và cái riêng trong mỗi nghệ sĩ được phản ánh khá trung thực và hài hòa trong công việc sáng tạo; các đề tài lịch sử và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện và trải rộng ra nhiều khía cạnh; nhiều tác phẩm được đầu tư để vươn tới tầm khái quát từng sự kiện lớn hoặc từng giai đoạn lịch sử.

Nhiều nghệ sĩ có chung nhận định, các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội giai đoạn vừa qua đã bắt nhịp được với động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, thấm đẫm hơi thở thời đại, hòa mình vào dòng chảy của lịch sử với ý thức chủ động, tích cực.

Thực vậy, có thể nhận ra những chuyển động tích cực này. Trong đại dịch, nhiều nhạc sĩ say mê sáng tác, công bố trên môi trường mạng nhiều ca khúc trên tinh thần “âm vang giai điệu chống dịch”. Giới điện ảnh Thủ đô thực hiện loạt phim tư liệu nghệ thuật về các danh nhân, di tích với các đề tài như Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, Bác Hồ với Thủ đô, Công viên Thống Nhất...

Giới họa sĩ Thủ đô có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm chuyên đề “Triển lãm sắc màu Hà Nội” cùng vựng tập “Triển lãm mỹ thuật Thủ đô”. Trong những năm qua, đã có một số cuộc thi dành cho tác phẩm múa về đề tài Thăng Long - Hà Nội.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, có nhiều hoạt động gắn với Hà Nội được triển khai, với nhiều nghệ sĩ nhập cuộc, sáng tác về Hà Nội, như cuộc thi và triển lãm ảnh “Hà Nội đương đại”, “Phố phường Hà Nội”, “Cuộc sống ngoại thành Hà Nội”, “Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”...

2. Tuy nhiên, bao quát chung, cũng vẫn từ nhận xét của lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội: Chất lượng chưa tương xứng với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc ca ngợi sự nghiệp đổi mới của đất nước và Thủ đô.

Rõ ràng, tuy có nhiều sự kiện được tổ chức nhưng sức ảnh hưởng chưa sâu rộng, ít khi tạo được ấn tượng đặc sắc. Qua một số hội sách, một số liên hoan sân khấu cũng như triển lãm tranh, ảnh..., có thể thấy sự hăng hái góp mặt của các tác giả, đơn vị, chút sôi nổi từ hoạt động truyền thông qua báo chí, mạng xã hội hoặc qua những kỳ xét trao giải thưởng hằng năm của các hội văn nghệ chuyên ngành. Nhưng dường như khi các hoạt động tổng kết, khen thưởng, các chương trình tôn vinh khép lại thì những gì đã được ngợi khen dần trở nên im lắng, đời sống của tác phẩm văn học, nghệ thuật sau vinh danh không phong phú như kỳ vọng.

Cũng có thể nhận ra một xu hướng về chủ đề, đề tài khi các tác phẩm thường hướng mối quan tâm vào khu vực trung tâm, vào đời sống thị dân, không gian đô thị, tốc độ đô thị hóa hay khai thác bề dày lịch sử, văn hóa, nếp sống, đời sống thị dân, số phận con người Hà Nội trước kia ở khu vực phố cổ. Việc mở rộng đề tài, hướng về người nông dân, đời sống nông thôn ngoại thành, khu vực miền núi Thủ đô, những vùng văn hóa bao quanh trung tâm Thăng Long - Hà Nội với địa bàn rộng và lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, thì vẫn còn hạn chế.

Vở "Huyền tích Chùa Một Cột" do Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng vừa tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022.

3. Về những điều trên, bước đầu có thể lý giải rằng, chất lượng tác phẩm còn ở mức khiêm tốn, chưa đủ sức thuyết phục giới nghề, công chúng để tiếp tục được thưởng thức, được bàn luận.

Bên cạnh đó, đông đảo văn nghệ sĩ Thủ đô chủ yếu sống và làm việc ở khu vực trung tâm, trên địa bàn các quận nội thành, các khu đô thị hoặc địa bàn đang trên đà "phố hóa". Những tác động liên tục, cấp tập của nhịp sống mới mạnh mẽ, sôi động, cùng sự va đập giữa những cũ - mới, hiện đại - truyền thống... hẳn đã chiếm nhiều thời gian và ảnh hưởng tới sự chuyên chú sáng tạo của người làm văn nghệ.  

Cũng có thể nhận ra những hạn chế trong việc mở rộng khả năng tiếp cận của công chúng với các tác phẩm đã bước đầu được đề cao, ghi nhận thông qua các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, đợt xét giải. Còn thiếu sự bài bản trong việc đưa tác phẩm đến với xã hội thông qua các hình thức quảng bá, phát hành, tổ chức giới thiệu, phát sóng hay truyền tải thông tin/ nội dung tác phẩm trên môi trường kỹ thuật số. Chúng ta cũng thiếu những mô hình mới, cách làm hiệu quả hơn cho việc tập hợp và đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc tới gần công chúng qua hệ thống thư viện, các tủ sách cũng như những bộ sưu tập tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu... bằng hình thức tư liệu số...

Để có được những tác phẩm hay, đặc sắc về vùng đất dày đặc trầm tích thiêng liêng, không thể chỉ dựa vào ý muốn chủ quan, sự định hướng đúng của chính quyền, cơ quan quản lý ngành hay các hội nghề nghiệp. Điều quan trọng là có cách khơi mở tài năng, tri thức, tâm huyết sáng tạo của văn nghệ sĩ, tạo điều kiện thiết thực để họ phát huy năng lực sáng tạo.

4. Bởi vậy, song song với việc định hướng, gợi ý, kêu gọi văn nghệ sĩ gắn bó, nhập cuộc, đồng hành với Thủ đô ở cả hiện tại và tương lai, rất cần sự thúc đẩy của Thành phố, ngành Văn hóa thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách. Mục tiêu hướng đến chính là tạo điều kiện, cơ hội sáng tác thuận lợi cho văn nghệ sĩ cũng như có chế độ đãi ngộ xứng đáng khi họ có tác phẩm chất lượng tốt. Cùng với đó là tạo điều kiện giúp tác phẩm của văn nghệ sĩ tiếp cận rộng rãi với công chúng, nhất là công chúng trẻ.

Như vậy, ngoài cơ chế đầu tư, hỗ trợ, tài trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước thông qua kênh phân bổ của khối liên hiệp văn học nghệ thuật dành cho các hội viên, Hà Nội cũng nên xây dựng chính sách, cơ chế, nguồn quỹ phù hợp với thực tế địa phương. Sự tự chủ đó góp phần giúp Thủ đô tập trung đầu tư một cách thỏa đáng cho các tác phẩm chất lượng tốt thông qua việc tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác...

Tiếp đó là chúng ta cần có thêm hình thức phù hợp để đưa tác phẩm đến gần công chúng thuộc nhiều đối tượng, địa bàn, như tổ chức triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật, dàn dựng để trình diễn và phát sóng các tác phẩm sân khấu, ca múa nhạc... Cần có hình thức đặt hàng, đầu tư sâu cho các tác giả uy tín, tài năng, sung sức; tạo điều kiện giúp họ thâm nhập thực tế bằng cách tổ chức trại sáng tác với điểm đến là không gian địa lý, văn hóa của Hà Nội; chú trọng việc nâng cao chất lượng các cuộc hội thảo, tọa đàm... nhằm trang bị cho văn nghệ sĩ các nguồn tư liệu lịch sử, văn hóa, khoa học...

Tất nhiên, trên cơ sở định hướng như vậy, bài toán về sự cân đối, hài hòa giữa ngân sách và nguồn xã hội hóa, giữa mục tiêu phục vụ công ích và mục đích thương mại sẽ cần có sự nghiên cứu, áp dụng một cách linh hoạt. Để từ đây, việc đầu tư cho sáng tác, tổ chức các hoạt động công bố, trình diễn... không trở thành gánh nặng. Mà chính chất lượng, sự thuyết phục của tác phẩm sẽ dần trở nên những yếu tố sinh lợi về kinh tế bên cạnh nguồn lợi to lớn về thẩm mỹ, tinh thần.          

Biết bao thực tiễn sôi động, cuốn hút của Hà Nội còn đang mời gọi, chờ đón đội ngũ sáng tạo, và đón chờ cả những bàn tay xúc tác, thúc đẩy cho sáng tạo. Không thể chắc chắn sẽ có ngay tác phẩm quy mô, xứng tầm Thủ đô ở những góc nhìn, những chiều kích khác nhau. Nhưng việc giúp cho người sáng tạo tích cực hơn trên hành trình nhập cuộc với đời sống, sáng tạo với văn học nghệ thuật là điều có thể chuẩn bị được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi gợi tài năng, tâm huyết, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.