(HNMCT) - Với tình cảm yêu mến đặc biệt dành cho Hà Nội, công chúng luôn kỳ vọng ngày càng có nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn, hoành tráng hơn về Thủ đô. Đó cũng là điều mà giới văn nghệ sĩ luôn trăn trở, đau đáu tìm giải pháp.
Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội:
Chưa có nhiều bài hát viết về “cái chung” của Hà Nội
Hà Nội luôn là đề tài âm nhạc lớn với nhiều ca khúc đi vào lòng người. Thế hệ trước đã có rất nhiều bài hát thành công, được công chúng yêu thích. Nhưng theo đánh giá của tôi, trong thời gian gần đây, các bài hát về Hà Nội được các nhạc sĩ viết chủ yếu với tình cảm về góc nhỏ thân quen, về con đường, góc phố, về tình yêu, đời sống sinh hoạt bình dị như cà phê phố, hồ Gươm buổi sáng... Nhưng tôi cảm thấy dường như vẫn thiếu những bài hát về "cái chung” của Hà Nội.
Ví dụ như nhạc sĩ Vũ Thanh có bài “Hà Nội mùa thu” thể hiện được tầm vóc của Hà Nội. Trong quá trình tìm hiểu, biên tập, tôi cũng nhận thấy chúng ta đang thiếu những ca khúc nói về sự đổi mới trong lao động hay đời sống của người dân, tầm vóc mới, sự phát triển của Thủ đô... Nhưng có thể vẻ đẹp của Hà Nội tác động đến cảm xúc, những góc nhỏ trong tim họ nên các tác phẩm ấy thường viết theo cái “tôi”. Còn nếu viết theo cái “ta” thì cần có thêm những cuộc vận động sáng tác. Hình thức sáng tác chủ yếu là đơn ca; những tác phẩm âm nhạc viết về tầm vóc lớn lao của Hà Nội thường được thể hiện bằng hình thức hợp xướng, thanh xướng kịch. Tác phẩm khí nhạc cũng vắng bóng. Theo tôi, người ta viết về Hà Nội một cách tự nhiên, theo cảm xúc. Còn để có được những tác phẩm viết về cái “ta”, phản ánh toàn diện cuộc sống hôm nay thì các nhạc sĩ phải đầu tư thời gian, tâm sức sáng tạo nhiều hơn nữa.
Có thể nói, lực lượng sáng tác ở Thủ đô Hà Nội là nhiều nhất so với các địa phương khác trong cả nước, với hơn 500 hội viên. Và hầu hết hội viên tên tuổi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đều sinh hoạt trong Hội Nhạc sĩ Hà Nội, từ thế hệ trước như nhạc sĩ Phạm Tuyên, Văn Dung, thế hệ sau có các nhạc sĩ Đức Trịnh, Quang Vinh, tiếp nối sau đó là Lê Minh Sơn, Giáng Son, trẻ hơn có An Hiếu, Hồng Ngọc, Huyền Ngọc...
Mỗi tháng, Hội Âm nhạc Hà Nội đều có báo cáo tác phẩm mới. Trong số 10 - 15 tác phẩm mới được giới thiệu thường có khoảng 10 - 20% số bài hát về Hà Nội. Gần đây, nhạc sĩ Tùng Lâm có bài hát “Hà Nội nhìn từ trên cao”, thể hiện một góc nhìn rất lạ, với ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ. Nhưng theo tôi, lượng bài hát viết về Hà Nội là chưa nhiều so với trước đây, đặc biệt, là những tác phẩm có sức sống vượt thời gian, được nhiều người biết đến. Muốn được như vậy thì số lượng tác phẩm mới phải lớn, như thế thì qua quá trình đào thải mới chọn ra được nhiều bài hát tinh túy, đọng lại với thời gian.
NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn:
Cần có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ một cách thiết thực hơn
Hà Nội là nơi có quá nhiều chất liệu để phát triển nghệ thuật biểu diễn. Hà Nội có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và du lịch văn hóa không phải chỉ là đến xem vật thể đó, mà còn phải xem cả cái hồn của nơi đó. Đó là cái gì? Chẳng hạn như ở Hoàng thành Thăng Long, chúng ta có thể xây dựng những show liên quan đến các đời vua, rồi những truyền thuyết về các thắng cảnh của Hà Nội, từ hồ Gươm, hồ Tây... đến khu vực đền Sóc, thành Cổ Loa... Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bát Tràng..., chúng ta cũng có thể tạo ra những show liên tục, có sự phối hợp của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau trong quần thể kiến trúc đó, đồng thời tổ chức những workshop để thu hút nghệ sĩ. Có những cái mình đang làm rồi, nhưng tất cả phải có tính hệ thống rõ ràng hơn nữa.
Hà Nội rất hay, là nơi tụ tập những con người sáng tạo. Tôi cho rằng, tinh hoa vẫn là Hà Nội. Nhưng vấn đề không phải chỉ là nghệ sĩ, nhà đầu tư đâu, nhà sản xuất đâu. Nghệ sĩ là một thành tố quan trọng không thể thiếu, nhưng họ cũng chỉ là một thành tố mà thôi. Chúng ta phải có chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ làm ra các sản phẩm của công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả hơn, chẳng hạn như chính sách về thuế hay các chính sách phát triển văn hóa đồng bộ. Hà Nội cần xây dựng nhiều hơn các không gian văn hóa, nơi các nghệ sĩ, nhà sản xuất tập trung ở đó - nó như một chất xúc tác để tạo ra những ý tưởng. Đầu tiên phải là ý tưởng, cách thể hiện rồi mở rộng biên độ ra. Giải trí bây giờ không đơn thuần đòi hỏi một ngành nghệ thuật cụ thể, mà cần sự phối hợp đa ngành. Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp văn hóa. Chúng ta làm công nghiệp văn hóa nghĩa là phải giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng cách tiếp cận phải mới, phải hấp dẫn thì bản sắc dân tộc mới được lan tỏa rộng rãi.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến:
Hội họa về Hà Nội luôn có sự chuyển động
Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Hà Nội đã thể hiện là một đô thị lớn với sức hấp dẫn mạnh mẽ về văn hóa. Bởi thế người Pháp mới đặt nhiều trường đại học, cao đẳng ở đây, trong đó có Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngay từ khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ khóa đầu tiên đã có nhiều sáng tác về Hà Nội, ví dụ như họa sĩ Nam Sơn, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh... với những tác phẩm cho thấy sự cảm nhận tinh tế. Có thể kể đến những bức tranh mà bây giờ xem lại vẫn rất cảm động, như tranh của họa sĩ Nam Sơn vẽ về Văn Miếu, họa sĩ Văn Giáo vẽ các đường phố Hà Nội với dây điện ngang dọc trên không... Đề tài về Hà Nội thực sự luôn có gì đó rất khác, có lẽ bởi những năm tháng không thể nào quên trong lịch sử như khúc tráng ca trong ký ức của người nghệ sĩ.
Dễ thấy, trước những chủ đề sáng tác về Hà Nội, lập tức có nhiều họa sĩ hưởng ứng, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Xem những bức tranh ấy, tôi như được gợi lại ký ức xưa. Ví dụ, nói về ngày toàn quốc kháng chiến, có nhiều bức tranh dựa trên tứ thơ của Nguyễn Đình Thi: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...”. Là người chứng kiến những thăng trầm của Hà Nội, tôi rất cảm động khi ngắm những bức tranh ấy - những tác phẩm có ý nghĩa lớn trong sự cảm nhận về nghệ thuật.
Tuy vậy, nghệ thuật không đứng yên mà luôn chuyển động theo biến thiên của lịch sử. Thời kỳ công nghệ phát triển, các họa sĩ trẻ không thể tư duy như các cụ ngày xưa. Trước đây các cụ đắm mình trước tấm toan, tấm sơn mài, thả hồn trong từng nét bút, thì các bạn trẻ bây giờ có thể phác thảo ngay trên máy tính. Họ thường thể hiện bằng thứ ngôn ngữ mà người ta chưa thể hiểu ngay được. Phải chăng suy nghĩ của những người trẻ bây giờ cũng cấp tập theo nhịp điệu đời sống hiện đại? Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi họ vẽ như ngày xưa được. Đó là điều vô lý. Bởi nghệ thuật là xúc cảm, là trải nghiệm, là ký ức của người nghệ sĩ. Vấn đề của người sáng tác hiện nay là làm thế nào chuyên chở được những tình cảm cũ, mới trong tác phẩm của mình sao cho hài hòa, để bất cứ thế hệ nào xem cũng thấy xúc động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.