(HNMCT) - Là nhà xuất bản địa phương đầu tiên mở chi nhánh ở Hà Nội, sau hai mươi năm gắn bó với mảnh đất này, đến nay NXB Trẻ cũng là đơn vị xuất bản địa phương duy nhất đặt chi nhánh tại Thủ đô.
Ra mắt lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2002, sách do Chi nhánh Hà Nội của NXB Trẻ tổ chức đã đạt nhiều giải thưởng, như Giải thưởng văn học ASEAN với “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng, “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Kỳ nhân làng Ngọc” của Trần Thanh Cảnh; Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với “Người thứ hai” của Tô Hải Vân; Giải thưởng Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với “Người thợ mộc và tấm ván thiên” của Ma Văn Kháng; Giải thưởng sách quốc gia với “Đá hát”, “Âm thanh cầu thang gỗ”, “Bên cạnh rong rêu” của Tạ Mỹ Dương, “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” của Nguyễn Quang Thiều...
Trong 20 năm đồng hành với văn chương Hà Nội, chi nhánh Hà Nội của NXB Trẻ đã làm việc với hơn 100 tác giả, ra gần 400 đầu sách, tổ chức hơn 120 sự kiện giao lưu, ra mắt sách. Mối duyên với văn chương Hà thành được đánh dấu bằng nhiều đầu sách của người Hà Nội, sách viết về Hà Nội, và sách được trao giải thưởng của Hà Nội.
Đã có nhiều nhà văn ở Hà Nội chọn NXB Trẻ là nơi để gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình như Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Trần Chiến, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến... Không ít tác phẩm do NXB Trẻ ấn hành đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội như sách dịch “Cô đơn trên mạng” của Thanh Thư, “Olga Berggoltz của tôi” của Thụy Anh, các tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái, “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, “6 ngày” của Tô Hải Vân...
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cũng đã hai lần “gọi tên” các tác phẩm đến từ NXB Trẻ là “Cậu ấm” và “A đây rồi Hà Nội 7 món” của Trần Chiến (2014); “Một thời Hà Nội hát” của Nguyễn Trương Quý (2018). Giải Sách hay - Sách đẹp cũng được trao cho ấn phẩm của NXB Trẻ với “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài (2006), “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” và “Hà Nội - thành phố nghìn năm” của Nguyễn Vinh Phúc (2010).
“Chất Hà Nội” ngày càng rõ nét qua các đầu sách được xuất bản trong những năm gần đây của NXB Trẻ. Đó là “Thị dân tiểu thuyết”, “Phố phở phố có nhà to”, “Con giai phố cổ”, “Hướng nào Hà Nội cũng sông”, “Lính Hà”, “Me Tư Hồng”... NXB Trẻ trở thành “bà đỡ mát tay” cho nhiều tác phẩm Hà Nội của những tác giả lần đầu ra mắt. “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca ngay khi vừa ra đời đã trở thành hiện tượng của làng sách, sau 7 năm đã được tái bản đến gần hai mươi lần với số lượng in kỷ lục. “Hồi ức lính” của kỹ sư điện tử Vũ Công Chiến sau khi ra mắt đã được Hội Nhà Văn Hà Nội trao giải thưởng Tác phẩm đầu tay xuất sắc.
Từ cái nôi NXB Trẻ, nhiều tác giả đã định hình phong cách, trở thành những cây bút chuyên viết về Hà Nội với những "vệt" sách Hà Nội phong phú và đặc sắc. Đó là Nguyễn Ngọc Tiến với các khảo cứu “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”, “Hà Nội còn một chút này”; là Nguyễn Trương Quý với các tản văn, du khảo “ăn khách” như “Còn ai hát về Hà Nội”, “Xe máy tiếu ngạo”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”; là Đỗ Phấn với loạt tản văn “Đi chơi Bờ Hồ”, “Vết gió”, “Rong chơi miền ký ức”, “Lan man nghìn năm phố”...
Năm 2018, tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” của NXB Trẻ đã ra mắt với mong muốn giúp độc giả hiểu thêm về văn hóa, đời sống, con người, thói quen ăn mặc, giọng nói và cả nếp sinh hoạt thường nhật của người Hà Nội trong vài thập niên gần đây. Cho đến nay, tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” đã giới thiệu nhiều tác giả - tác phẩm như “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Đi chơi Bờ Hồ”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, “Tuổi ấy chúng mình yêu”, “Hà Nội phố ngàn phố”, “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm”, “Tay chơi”, “Hà Nội - chút bụi vai người”...
Quy tụ nhiều cây viết với đa dạng điểm nhìn và những câu chuyện khác nhau, những tác phẩm Hà Nội của NXB Trẻ đã góp phần vẽ nên chân dung một thành phố trên nhiều chiều từ quá vãng tới hiện tại, từ cụ thể đến khái quát, từ trong lòng thành phố hay đang ở một nơi xa nhớ về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.