Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi động thị trường hoa, cây cảnh Tết Quý Mão: Hoa chậu lên ngôi, hoa cắt cành và nhập khẩu tăng nhẹ

Bạch Thanh| 09/12/2022 17:14

(HNMO) - Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới tới Tết Quý Mão 2023 nhưng thị trường hoa và cây cảnh đã bắt đầu khởi sắc. Xu hướng hoa, cây cảnh Tết năm nay cũng có nhiều thay đổi, các loại hoa trồng trong chậu đẹp (hoa giấy, hoa hồng...) giá hợp lý đang hút khách; ngược lại, hoa nhập khẩu và hoa cắt cành dự kiến tăng nhẹ do thời tiết khắc nghiệt, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao.

Các loại hoa trồng trong chậu đẹp, giá cả hợp lý đang hút khách

Hoa bonsai hút khách

Đến thời điểm này, hầu hết nhà vườn lớn đã cho cây cảnh nở hoa đẹp để bán Tết. Đến thăm nhà vườn Dung Hà ở xóm Đông, thôn Vân Trì (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) với hàng trăm loại hoa, cây cảnh từ mini có giá vài chục nghìn đồng đến các hoa chậu tiền triệu đều được chăm sóc tỉ mẩn và cho hoa đẹp. Chị Tô Mai Dung, chủ vườn cho hay, hầu hết giá hoa, cây cảnh năm nay đều tăng do vật tư phân bón, giá nhân công chăm sóc và chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, mức tăng chưa có gì đột biến. Các loại độc, lạ với giá hơn chục triệu đồng/cây rất khó bán. Thay vào đó, các loại cây đẹp, vừa mắt, có giá tầm 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, năm nay hoa giấy chậu với thế huyền, thế tròn... khá hút khách bởi đẹp, bền, đủ màu sắc...

Tết Quý Mão đang đến gần, dự kiến sức mua hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng 100-300% so với ngày thường. 

Còn tại vựa hoa hồng ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), các loại hồng trồng chậu có giá từ 50 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/chậu cũng rất hút khách từ nửa tháng nay. Anh Nguyễn Duy Thắng, chủ vườn hoa, cây cảnh rộng 1 mẫu tại xã Mê Linh chia sẻ, thời điểm này, nhà vườn đã xuất được hơn 2.000 chậu hồng các loại. Hoa hồng chậu Mê Linh nhiều nụ, gốc khỏe, giá bán 100-300 nghìn đồng/chậu, khách mua để bàn cũng được hơn 1 tháng, sau đó có thể tận dụng trồng lại ngoài trời. Các loại hồng xanh, hồng trứng, hồng tỉ muội trong chậu, giá thành thấp, cứ chăm sóc đẹp tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Đặc biệt, năm nay các loại hồng cổ, hồng ngoại trồng trong chậu đá, chậu sành cao cấp, hoa đẹp, nhiều nụ có giá 1,5-3 triệu đồng/chậu cũng rất đắt khách...

Các loại hồng trồng chậu có giá từ 50 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/chậu rất hút khách.

Trái ngược với hoa chậu, thị trường các loại hoa cảnh, hoa dân dụng và cây cảnh ngắn ngày hiện khá trầm lắng, thỉnh thoảng mới có người đến các nhà vườn mua gom để bán lẻ, khiến các nhà vườn của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận lo lắng. Nhà vườn Bình Tuấn (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) đánh giá, nhìn chung, cây cảnh truyền thống như trà hoa cảnh, mộc hương và cây cảnh ngắn ngày sản xuất tại địa phương như cúc mâm xôi, trầu bà, dạ yến thảo, dạ minh châu... năm nay đều đứng giá, đồng nghĩa với lợi nhuận các loại cây này đang giảm vì hầu hết vật tư cho sản xuất tăng rất cao, 20-100%...

Hoa cắt cành và nhập khẩu dự kiến giá tăng

Trái ngược với các loại hoa chậu vừa tiền, hoa đẹp, bền, hút khách thì thị trường hoa cắt cành đang là ẩn số bởi thời tiết những ngày qua diễn biến bất thường, nếu xuống giống không chọn đúng thời điểm, hoa sẽ nở không đúng dịp Tết Nguyên đán.

Anh Nguyễn Văn Nam - người dân thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) đang chăm sóc vườn hoa violet 3 sào chia sẻ: "Cách đây 1 tháng, thời tiết nắng nóng, tôi chưa dám xuống giống ngay mà phải chờ thêm, đến khi quyết định xuống giống thì giá giống tăng 300 nghìn đồng/sào so với năm 2021, thời tiết lại không ủng hộ nên tỷ lệ hoa đẹp dự kiến đạt 70%, còn lại 30% cây còi cọc, hoa xấu. Do đó, hoa cắt cành dịp Tết, nhất là các loại hoa truyền thống như thược dược, violet... sẽ có giá tăng so với mọi năm".

Đến nay, các nhà vườn lớn trên địa bàn thành phố đều đã hoàn tất khâu chăm sóc, sẵn sàng đưa các chậu hoa đẹp phục vụ Tết Quý Mão.

Với thị trường hoa cao cấp (lily, tulip, lan hồ điệp...), theo TS Nguyễn Văn Tỉnh (Viện Nghiên cứu Rau quả, Học viện nông nghiệp Việt Nam), do công lao động và vật tư sản xuất tăng nên các loại hoa này năm nay cũng sẽ tăng giá 10-15% so với năm trước. Theo TS Tỉnh, riêng với dòng hoa lan hồ điệp, nhu cầu tiêu dùng nước ta hiện khoảng 9 triệu giò, tuy nhiên nguồn sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, còn lại phải nhập từ Trung Quốc.

"Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát khá gắt gao dịch Covid-19, vì vậy nguồn nhập lan hồ điệp từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, người tiêu dùng nước ta chuộng lan trồng trong nước, vì hoa tươi lâu hơn (gần 3 tháng). Hoa lan hồ điệp Trung Quốc đẹp hơn nhưng độ bền kém hơn nhiều, những nụ hoa gần ngọn cành thường bị mù (không nở) nên các loại lan hồ điệp nội địa dịp Tết năm nay có khả năng tăng giá mạnh", TS Tỉnh nhận định.

Tết Quý Mão đang đến rất gần, dự kiến sức mua hoa, cây cảnh của Hà Nội dịp này tăng 100-300% so với ngày thường. Các nhà vườn coi đây là thị trường quan trọng nhất năm và đều đầu tư, chăm sóc, nhập khẩu... với số lượng lớn. Hy vọng, Tết Quý Mão năm nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, giá cả phải chăng; người trồng hoa có lãi để có cái Tết đủ đầy...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi động thị trường hoa, cây cảnh Tết Quý Mão: Hoa chậu lên ngôi, hoa cắt cành và nhập khẩu tăng nhẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.