Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy nội lực

Hồng Sơn| 30/04/2023 06:37

(HNM) - GDP quý I-2023 của cả nước chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn tăng 5,8%. Dù chưa phải là sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng thực tế trên thể hiện sức vươn khá rõ nét của thành phố Hà Nội, cho thấy đà tăng trưởng đang hiện diện và nội lực cũng được khơi dậy nhanh, đồng bộ hơn...

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Chuyển biến qua thời gian

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội có sự tiến bộ đáng ghi nhận. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022 (trong quý I-2023, IIP tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022). Một số ngành quan trọng như sản xuất đồ uống, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, thuốc lá, hóa dược... có mức tăng trưởng cao.

Trong quý I-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 184,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đạt 712 nghìn lượt người, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý I-2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,11%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đáng chú ý, thành phố đã thu hút 1,707 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là kết quả khá ấn tượng bởi cả nước cũng chỉ thu hút được trên 8,88 tỷ USD vốn  quốc tế.

Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong quý I-2023, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 7.496 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 73,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15% về số lượng doanh nghiệp. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 10,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký đạt 93,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 4,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Nhìn chung, các số liệu trên cho thấy, lĩnh vực kinh tế chuyển biến qua thời gian và còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Thi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Quang Thái

Tập trung cho tăng trưởng

Ngay từ đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã quán triệt các nội dung, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung cho tăng trưởng kinh tế; tiếp tục khai thác các nguồn lực và tận dụng thời cơ để phục hồi kinh tế. Đơn cử, Hà Nội xác định và phấn đấu đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% đến 100% kế hoạch năm 2023. Đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Căn cứ vào các mục tiêu đã đề ra, thành phố Hà Nội tập trung nắm bắt tình hình, đôn đốc chủ đầu tư dự án chủ động bảo đảm tiến độ, đồng thời sẵn sàng những điều kiện để bứt phá. Nhờ đó, nhiều công trình, dự án đã, đang được đẩy nhanh tiến độ. Đơn cử, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang trong thời gian chuẩn bị hợp long và có khả năng về đích sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội đã giải ngân trên 60% kế hoạch vốn và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2024. Trong khi đó, dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt 76% tiến độ tổng thể chung, riêng đoạn trên cao đạt tiến độ 98,8%... Nhìn chung, đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố duy trì nhịp độ thi công khẩn trương theo kế hoạch.

Hà Nội cũng chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chuyển biến một cách thực chất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ra đời, phát triển. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thành phố chủ động và sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; xác định rõ doanh nghiệp và người dân là đối tượng hướng tới, để phục vụ ngày càng tốt hơn. Kết quả, thành phố Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đạt 89,58% (năm 2021, thành phố Hà Nội xếp vị trí thứ 10 với kết quả 88,54%). Đáng chú ý, việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của thành phố đạt tỷ lệ cao, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết năm 2022 đạt 99,98%.

Việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành phố chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, tích hợp 70% thủ tục hành chính đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phê duyệt phương án ủy quyền thủ tục hành chính, với 708 thủ tục hành chính/1.892 thủ tục hành chính, đạt 37,4%, vượt chỉ tiêu tối thiểu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 17,4%.

Để Thủ đô phát triển nhanh, toàn diện hơn nữa, theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, Hà Nội nên tập trung cải thiện một vài chỉ số còn hạn chế trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như phát huy lợi thế về nguồn nhân lực, đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia trên địa bàn...

Với vai trò đầu tàu kinh tế phía Bắc cùng tiềm năng to lớn và quy mô kinh tế của mình, thành phố Hà Nội đã, đang nỗ lực để xứng đáng là chỗ dựa, “kéo” các địa phương khác tăng tốc trên con đường phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.