Giao thông

Khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Nhóm PV HNMO 25/06/2023 08:05

Sáng nay (25-6), lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội diễn ra tại 4 điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội và hai điểm tại tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được khởi công sáng nay cùng lúc với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Đây là hai dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khởi công cùng giờ, cùng ngày và cùng hướng đến mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2027. Người dân có thể theo dõi trực tiếp lễ khởi công của cả hai dự án trên các kênh của các Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Đồng Tháp. 

khoi-cong1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm cầu huyện Hoài Đức.

Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Dự lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu ở điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Chủ trì lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Thủ đô Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 tại thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

khoi-cong2.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm cầu huyện Hoài Đức.
t2-khoicong.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm cầu huyện Thanh Oai.

Tham dự lễ khởi công hai dự án quan trọng này còn các Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo thành phố Hà Nội; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp và đại diện nhân dân các địa phương...

Bốn địa điểm khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Hà Nội bao gồm:

Vị trí khởi công số 1 là điểm cầu chính tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long (tại lý trình Km28+900 đường Vành đai 4, tương ứng với Km12+600 đường gom Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức.

Vị trí khởi công số 2 tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2 (lý trình Km1+445) thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.

Vị trí khởi công số 3 tại vị trí giao trục phía Nam (tại Km45+700) thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Vị trí khởi công số 4 là vị trí giao đường Vành đai 4 với Quốc lộ 1A cũ (tại Km52+600 đường Vành đai 4, tương ứng với Km190+270 đường Quốc lộ 1A) thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Từ ý tưởng đến quyết tâm thực hiện

Mở đầu buổi lễ, các đại biểu đã cùng xem phóng sự giới thiệu về Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Từ năm 2011, đường Vành đai 4 đã được xác định trong quy hoạch với vai trò kết nối các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm, dự án này vẫn chưa được khởi động, trong khi nhu cầu kết nối, áp lực từ những đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, nhất là nhu cầu mở rộng không gian phát triển, giải nén đô thị trung tâm càng ngày càng lớn. Thực tiễn tại Hà Nội đòi hỏi muốn phát triển, nhất định phải giải bài toán hạ tầng giao thông và sứ mệnh đó chính là đường Vành đai 4.

Nung nấu từ ý tưởng đến quyết tâm thực hiện dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nên khi được Bộ Chính trị tin tưởng phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội vào đầu tháng 4-2021, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã quyết liệt chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Tháng 7-2021, hồ sơ dự án đã được trình lên Chính phủ.

Ngày 5-5-2022, trên cơ sở đề xuất của Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027. Một tháng sau đó, ngày 16-6-2022, 474/475 đại biểu Quốc hội khóa XV đã bấm nút thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

khai-7.jpg
Quang cảnh lễ khởi công tại các điểm cầu.

Kết quả ấn tượng của 1 năm 9 ngày

Báo cáo quá trình triển khai thực hiện Dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 tại thành phố Hà Nội  cho biết, ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.

Thành phố Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tham gia Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, 3 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo riêng để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ban hành kế hoạch tổng thể tổ chức thực hiện dự án, khớp nối các nhiệm vụ và tiến độ từng hạng mục công việc, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ trong quá trình triển khai, làm cơ sở thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.

vthanh-1.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

“Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, đến nay, sau 1 năm 9 ngày, dự án đã bảo đảm toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30-6-2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%)”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để đi đến lễ khởi công ngày hôm nay, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, đó là phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường; tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Ba bài học kinh nghiệm triển khai Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội:

Một là, phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của thành phố. Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.

Hai là, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án. Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của Dự án (Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về Dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị).

Ba là, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, thành phố Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.

Nhấn mạnh để đạt được những kết quả quan trọng ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố, là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phươngthay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, đồng chí Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai bảo đảm tiến độ đề ra.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các quận, huyện có dự án đi qua.

“Đặc biệt, xin được ghi nhận và chân thành cảm ơn sự đồng lòng, ủng hộ và sẻ chia của những hộ dân đã bàn giao đất để phục vụ xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Cam kết bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ

Báo cáo về kế hoạch triển khai thi công và cam kết tiến độ, chất lượng Dự án đường Vành đai 4, đại diện các nhà thầu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Đào Ngọc Thanh cho biết, đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, chiều dài khoảng 23 km (từ Km13+17,92 đến Km36+166,74).

Đây là gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Giá trị trúng thầu là 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện 1.080 ngày.

vthanh-2.jpg
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex phát biểu.

“Với tinh thần làm việc “tận tâm vì giá trị thật” của tất cả các cán bộ, nhân viên, các nhà thầu thi công, tư vấn, chúng tôi cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để hoàn thành phần việc được giao. Vinaconex cam kết sẽ triển khai dự án bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội - Vùng Thủ đô Hà Nội”, ông Đào Ngọc Thanh khẳng định.

Biểu dương nỗ lực vượt bậc của các địa phương

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các vùng liên quan và cả nước. Đây cũng chính là việc thực hiện một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

vd4-3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án.

“Thực tiễn đã chứng minh, hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Nhất trí cao với các báo cáo tại lễ khởi công hai dự án, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của các địa phương trong triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để nhanh chóng có đủ điều kiện khởi công hôm nay.

“Tôi rất ấn tượng với cách làm của Hà Nội; trung ương thì phân cấp cho thành phố; thành phố cũng đã mạnh dạn phân cấp cho quận, huyện, xã, phường”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy Đảng 3 tỉnh, thành phố với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo của Bí thư cấp ủy, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giúp Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn dự án Vành đai 4, trong đó Hà Nội đã đạt hơn 84%. 

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn;  đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kết quả khởi công hôm nay mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức; nhất là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn; thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết.

“Kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, quan trọng như hai dự án khởi công hôm nay là phải vượt nắng thắng mưa, thực hiện “ba ca, bốn kíp”, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ mới bảo đảm đạt và vượt tiến độ, chất lượng, yêu cầu”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

vd4-2.jpg

Để các công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, chất lượng và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công một cách nhanh nhất có thể; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý: “Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và phát huy tối đa những thành quả đã đạt được, đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu, không đội vốn”

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cấp ủy Đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III năm 2023 (chậm nhất trước ngày 31-12-2023). Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng; đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

“Tôi kêu gọi bà con nhân dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị thi công dự án hiệu quả, an toàn, kịp thời và chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát dự án nâng cao trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... cùng với các địa phương và các đơn vị có liên quan.

Để triển khai thành công các dự án, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 2 vấn đề có tính chất quan trọng là: Bố trí vốn đầy đủ và mặt bằng đủ điều kiện thi công và 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt để dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Đó là: Bảo đảm chất lượng; Bảo đảm tiến độ; Bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động; Không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; Chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm từ khâu xây dựng dự án, phê duyệt, thi công, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu…; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; Kiểm tra nơi ở mới của người dân để ít nhất phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

“Trong quá trình thi công thực hiện dự án sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức; tôi đề nghị các đồng chí phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn; hành động quyết liệt, trọng tâm trọng điểm; đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện vì thành công của dự án, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chỉ đạo.

Ngay sau phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tiến hành nhấn nút khởi công Dự án.

thanh-kc-1.jpg
khoi-cong-vanh-dai-4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án.

Đồng loạt nhấn nút khởi công tại các điểm khởi công khác

* Tại điểm khởi công số 3 - vị trí giao cắt giữa Vành đai 4 - km45-700 lý trình Vành đai 4 trên địa bàn xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), dù mưa lớn, song đông đảo nhân dân cùng chính quyền  địa phương đã vui mừng đến dự Lễ khởi công.

Dự Lễ khởi công có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà.

thai-kc-2.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố thực hiện nghi thức khởi công dự án tại huyện Thanh Oai.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km, kết nối 6 xã. Tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 86,94ha của 1.501 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Đến nay, huyện đã thẩm định, phê duyệt phương án 71,19/86,94ha, đạt trên 82%. Đối với số mộ chí trong diện di dời, huyện đã di chuyển đạt 97%. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt khoảng 509 tỷ đồng.

“Đặc biệt, để bảo đảm ổn định đời sống người dân về vật chất, tinh thần, UBND huyện Thanh Oai triển khai đồng thời 3 dự án thành phần, gồm: Khu tái định cư (đất nền) tại thôn Thượng, xã Cự Khê (khoảng 1,9ha) và 2 dự án mở rộng nghĩa trang tại các xã: Cự Khê, Mỹ Hưng (khoảng 2,6ha). Cả 3 dự án thành phần này sẽ thực hiện song song Dự án Vành đai 4, đặc biệt là 2 dự án mở rộng nghĩa trang”, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Lê Huy Chung cho biết, ngay sau khi được bàn giao mốc giới, xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị triển khai đo đạc, kiểm đếm cùng với tuyên truyền, vận động. Dự án nhận được sự đồng thuận, ủng hộ lớn từ người dân nên đã bàn giao 100% mặt bằng cho dự án từ đầu tháng 5-2023.

* Tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín), Lễ khởi công dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ: Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương…

e16517aa371be645bf0a.jpg
Tiến hành nghi thức khởi công Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Thường Tín.

Tại lễ khởi công Dự án, ông Trần Viết Sơn Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 11, Tập đoàn Cienco 4 cho biết, vinh dự là nhà thầu tham gia gói thầu Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Tập đoàn cố gắng tập trung thi công đạt tiến độ và chất lượng. Đơn vị đã chuẩn bị 11 đầu thiết bị: Máy lu, máy xúc... cùng 20 công nhân và 8 kỹ sư sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc.

Trong ngày đầu thi công, mặc dù trời mưa, đơn vị vẫn thực hiện được những công việc triển khai ban đầu. Ngay sau lễ khởi công, đơn vị tiến hành phát quang mặt bằng, bóc lớp đất hữu cơ phạm vi khu vực thi công nền đường, thực hiện các phần việc theo kế hoạch.

Theo ông Lê Tuấn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín, để đẩy nhanh tiến độ dự án, huyện đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, gấp rút thực hiện giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ, kế hoạch được giao. Hiện còn gần 17% diện tích được huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đặc biệt là các dự án tái định cư để các hộ dân có đất bị thu hồi sớm ổn định đời sống...

* Tại huyện Sóc Sơn, lễ khởi công được tổ chức tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân.

Dự lễ khởi công có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà...

Ngay từ sáng sớm, đông đảo cán bộ, nhân dân huyện và cán bộ, công nhân các nhà thầu thi công đã có mặt để theo dõi cầu truyền hình trực tiếp khởi công Dự án.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn đi qua 2 xã Tân Dân và Thanh Xuân của huyện Sóc Sơn có chiều dài hơn 2km, diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 48,2ha. Huyện đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ 47,8/48,2ha, đạt 99,1% diện tích cần thu hồi, tổng số tiền đã chi trả cho các hộ dân là 238/239,3 tỷ đồng.

img_1396.jpg
Các đại biểu nhấn nút khởi công dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, chính quyền và nhân dân huyện rất mong chờ ngày hôm nay, với hy vọng dự án sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Trong quá trình thi công dự án, huyện Sóc Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ tối đa cho liên danh các nhà thầu. Chủ động trao đổi thông tin, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Ngọc cho biết.

vanh-dai-4-thuong-tin2.jpg
Nhà thầu thi công đã chuẩn bị chu đáo con người và máy móc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
img_1443.jpg
Phương tiện, máy móc sẵn sàng thi công dự án.

Ngay sau khi các đại biểu bấm nút chính thức khởi công, liên danh các nhà thầu triển khai các gói thầu của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã khẩn trương triển khai nhân lực, xe máy, bắt tay ngay vào thi công dự án.

vanh-dai-4.jpg
Đồ họa: An Nhiên

​Dự án đường Vành đai 4 có quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 héc ta, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quốc hội cũng cho phép một số cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu và khai thác vật liệu cho dự án...

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài gần 27,5 km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là gần 5.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến năm 2027.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.