Giao thông

Thực hiện đúng tiến độ Dự án xây dựng đường Vành đai 4: Khẩn trương nhưng phải hết sức kỹ lưỡng

Nhóm phóng viên (ghi) 25/06/2023 06:42

Vào lúc 8h sáng nay (25-6), Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra tại 4 điểm thuộc thành phố Hà Nội và 2 điểm thuộc các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến thể hiện quyết tâm hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời kỳ vọng tuyến đường sớm hoàn thành, tạo động lực cho Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng như các địa phương có đường Vành đai 4 đi qua của 3 tỉnh, thành phố này.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa:
Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện dự án

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án chung 3 tỉnh, thành phố, tôi đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh và các huyện có dự án đi qua vào cuộc thực hiện nhiệm vụ.

Dù rất khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023 như Nghị quyết của Chính phủ đề ra, cùng với Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Cả hệ thống chính trị tỉnh quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các bước triển khai dự án. Đặc biệt, các ngành, địa phương cần nỗ lực, khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của dự án để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án, tiến độ thường xuyên; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tiến độ; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện...

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực hết mình của các cấp, các ngành, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên đã cơ bản bảo đảm chỉ tiêu tiến độ yêu cầu đạt khoảng 161,84ha trên tổng số 229,88ha, tương đương với 70,4%. Công tác thiết kế kỹ thuật - dự toán dự án thành phần 1.2, công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu thuộc dự án thành phần 2.2 đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn:
Nỗ lực thực hiện đúng cam kết

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, có tính liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt mở ra dư địa và không gian phát triển mới của tỉnh Bắc Ninh.

Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án chung 3 tỉnh, thành phố, tôi đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các huyện, thị xã, thành phố nơi có tuyến đường đi qua nỗ lực thực hiện đúng cam kết đã ký với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nhanh nhưng phải hết sức kỹ lưỡng.

Các cấp, các ngành của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với 4 địa phương (huyện Gia Bình, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh) tập trung khắc phục khó khăn, tổ chức chuẩn bị đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 286,712ha trên tổng số 358,39ha, đạt 80%. Trong đó, riêng huyện Gia Bình đã bàn giao xong 100% mặt bằng triển khai dự án.

Đối với dự án thành phần 2.3, chủ đầu tư đang lựa chọn các nhà thầu tư vấn và ký hợp đồng các gói thầu tư vấn, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-6; lập, trình thẩm định, phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán cuối tháng 7-2023.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:
Tăng liên kết trục phát triển

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 9 xã của huyện Thường Tín có chiều dài 9,2km, diện tích phải thu hồi 134ha, liên quan đến 1.608 hộ dân. Để bảo đảm tiến độ dự án, ngay từ khi dự án được bàn giao mốc giới, Huyện ủy - HĐND - UBND tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gấp rút thực hiện, bảo đảm tiến độ, kế hoạch được giao, đặc biệt là việc di chuyển mộ.

Tính đến nay, tổng chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đạt gần 700 tỷ đồng; tổng diện tích phê duyệt là 111,72/134,28ha (đạt 83,2%); tổng số mộ đã di chuyển là 1.829/1.846 ngôi mộ (đạt 99,07%).

Huyện yêu cầu các địa phương, sau khi giải phóng mặt bằng phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh... Việc đầu tư xây dựng là cần thiết, cấp bách, tuyến đường khi đi vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, kết nối giao thông, tăng tính liên kết trục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà:
Tuyên truyền là “then chốt“

Huyện xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia nên xác định rõ thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ “then chốt” để vận động nhân dân ủng hộ. Huyện ủy đã phân công 1 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và 2 Huyện ủy viên thường xuyên bám sát cơ sở, nắm tình hình, chỉ đạo Đảng ủy 2 xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đồng thời, tham mưu, đề xuất Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Kết quả, đến ngày 20-6, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là 47,8/48,2ha, đạt 99% diện tích.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:
Bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất

Ngay từ khi được bàn giao mốc giới, huyện khẩn trương kiểm đếm, thống kê nhằm bảo đảm diện tích bàn giao cũng như bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân đúng quy định. Cùng với đó, huyện tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển của Thủ đô nói chung và huyện Thanh Oai nói riêng. Do đó, việc triển khai dự án trên địa bàn huyện nhận được sự đồng thuận rất lớn từ người dân. Đến nay, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, di chuyển mộ chí đạt trên 97%. Cùng với triển khai dự án, huyện đặc biệt quan tâm đến các dự án tái định cư và giải pháp hỗ trợ người dân thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh:
Sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ

Đến nay, Hoài Đức có 9/12 xã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổng diện tích gần 200ha, đạt 84% tổng diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án.

Thực hiện dự án đường Vành đai 4, huyện Hoài Đức vinh dự được chọn là điểm khởi công đầu tiên trên địa bàn thành phố. Vị trí khởi công nằm trên địa bàn xã Song Phương, điểm khởi công nằm giáp đường gom Đại lộ Thăng Long, diện tích 2,25ha, là mặt bằng sạch, đã được UBND huyện và xã Song Phương phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình giao thông thành phố Hà Nội thực hiện san gạt làm vị trí khởi công, đã hoàn tất công tác chuẩn bị tại điểm khởi công từ chiều 19-6 nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, thành công trong buổi lễ khởi công ngày 25-6.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng:
Là đòn bẩy để huyện phát triển thành quận

638231182881157346-a.-hung-pct-dan-phuong.jpg

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn huyện Đan Phượng chiều dài khoảng 6,3km thuộc 5 xã, thị trấn với tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng khoảng 74,8ha.

Hiện nay, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt 86% tổng diện tích, đang quyết tâm cùng các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Thủ đô nói chung và huyện Đan Phượng nói riêng. Huyện đang thực hiện đề án xây dựng thành quận đến năm 2025, tuyến đường hoàn thành sẽ là "đòn bẩy" để huyện phát triển nhanh và mạnh, sớm trở thành quận. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương:
Đạt kết quả cao nhờ sự đồng thuận

638231182867428026-a-khuong-pct-me-linh.jpg

Triển khai dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh có khối lượng công việc lớn, thời gian thực hiện ngắn, khó khăn nhiều nhưng đến nay, huyện đã tổ chức chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án đạt hơn 85% kế hoạch, vượt chỉ tiêu thành phố giao. 

Có được kết quả này là do sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở; các cấp, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của dự án; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ngoài ra, huyện cũng công khai chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đến nhân dân; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân…

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường:
Đã giải phóng mặt bằng 86,71%

pho-bttt-quan-uy-ha-dong-nv-truong.jpg

Thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, quận Hà Đông có 68,16ha đất cần phải thu hồi phục vụ dự án; đến nay đã bàn giao 86,71% tổng diện tích mặt bằng thực hiện dự án. Quận đang tiếp tục rà soát, xác định công trình liên tuyến quận, huyện hoặc liên tuyến giữa các phường, làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định; niêm yết dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ 38 hộ và 1 tổ chức.

Thời gian tới, quận tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nơi có dự án Vành đai 4 đi qua thực hiện di chuyển mộ phần. Quận phấn đấu đến ngày 30-6-2023 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đúng tiến độ Dự án xây dựng đường Vành đai 4: Khẩn trương nhưng phải hết sức kỹ lưỡng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.