Giao thông

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn chiến lược, hướng đến tương lai

Hà Vũ - Ánh Dương - Tuấn Lương/Thiết kế: TĐ 25/06/2023 06:18

Tháng 6-2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay, Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện để khởi công dự án. Đây có thể coi là dự án hạ tầng giao thông lớn, một dự án trọng điểm quốc gia được triển khai và tổ chức thực hiện với tốc độ “kỷ lục”.

coverchinh.jpg

LTS: Sau 1 năm thành phố Hà Nội chuẩn bị hồ sơ trình cấp có thẩm quyền, Quốc hội khvà óa XV đã thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 (ngày 16-6-2022) về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay, thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện để khởi công dự án. Đây có thể nói là những “kỷ lục” về tốc độ triển khai và tổ chức thực hiện của một dự án hạ tầng giao thông lớn, một dự án trọng điểm quốc gia, sẵn sàng cho lễ khởi công dự án diễn ra vào ngày 25-6. Điều đó cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang biến ý chí khát vọng thành hành động, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, hướng tới tương lai.

Chiều 20-6, trong cái nắng đổ lửa mùa hè, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đích thân đi kiểm tra các điểm chuẩn bị cho lễ khởi công dự án sẽ diễn ra vào ngày 25-6 tới. Ghi nhận “tất cả các điều kiện đã sẵn sàng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nhiệm vụ thực hiện và về đích đúng thời hạn là nhiệm vụ chính trị.

Gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng

Trong bối cảnh khó khăn từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 phải cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, tăng trưởng kinh tế, song Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội vẫn chủ động tư duy, triển khai các chủ trương lớn, có ý nghĩa lâu dài cho Thủ đô phát triển.

Nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội vào đầu tháng 4-2021, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã quyết liệt chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đến tháng 7-2021, thành phố Hà Nội đã trình hồ sơ dự án lên Chính phủ; tiếp đó là báo cáo với Bộ Chính trị.

Ngày 5-5-2022, trên cơ sở đề xuất của Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027.

Một tháng sau đó, ngày 16-6-2022, với tinh thần đồng thuận cao, 474/475 đại biểu Quốc hội khóa XV đã bấm nút thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Các tuyến đường vành đai có ý nghĩa vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của các đô thị.

Đối với thành phố Hà Nội, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, đó còn là trục kết nối, trục phát triển liên vùng, liên tuyến, mở ra không gian, động lực phát triển mới. Và tuyến đường này không chỉ quan trọng đối với riêng thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên nơi dự án đi qua, mà còn là cả vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Vì hạnh phúc, ấm no, vì tương lai phát triển

UBND thành phố Hà Nội nhanh chóng hoàn tất Báo cáo triển khai dự án, cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, đó là: “Các công việc triển khai thực hiện dự án hiện nay phải làm song hành, nói nôm na là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được”.

Ngay trước thềm kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV cũng chính là kỳ họp thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15, chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các cơ quan thành phố phải tập trung chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sau khi Quốc hội thông qua, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thực hiện ngay.

Ngay sau kỳ họp thứ ba, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban đã được thành lập. Các Ban Chỉ đạo thực hiện dự án ở mỗi tỉnh, thành phố cũng nhanh chóng được thành lập; ở Bắc Ninh và Hưng Yên đều do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; ở thành phố Hà Nội do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban. UBND thành phố Hà Nội cũng nhanh chóng hoàn tất Báo cáo triển khai dự án, cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, đó là: “Các công việc triển khai thực hiện dự án hiện nay phải làm song hành, nói nôm na là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được”.

Các mốc thời gian, tiến độ đều được xác định rõ, phân công cụ thể, giao tiến độ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. UBND thành phố đã yêu cầu: Lập, phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn tuyến trên địa bàn thành phố hoàn thành trong tháng 8-2022; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trong tháng 12-2022; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trong quý I-2023; bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6-2023, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12-2023.

Thực tế hơn một năm qua cho thấy, chưa có dự án nào mà sự vào cuộc và vai trò của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy lại rõ rệt, thực chất ngay từ đầu như Dự án Vành đai 4. Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo tổ chức ký giao ước thi đua giữa chủ tịch UBND 3 tỉnh, thành phố và chủ tịch UBND 15 quận, huyện, thành phố của 3 địa phương với quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng. Không chỉ theo sát tình hình, Trưởng ban Chỉ đạo còn trực tiếp kiểm tra. Ngay trong những ngày cuối năm 2022 bận rộn, 1 ngày đồng chí đã kiểm tra thực địa dự án tại 6 huyện và dành 1 ngày tiếp theo kiểm tra thực địa, làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy dự án.

huyen-thuong-tin-khoi-cong-.jpg
Huyện Thường Tín khởi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư xã Hồng Vân phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tươi

Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị riêng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư một dự án (Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022), trong đó nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: “Gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng”.

Lan tỏa tinh thần đó, tại 7 quận, huyện của thành phố Hà Nội, nơi có dự án đi qua, trực tiếp bí thư cấp ủy cấp huyện làm trưởng ban chỉ đạo. Hơn một năm qua, các quận, huyện, xã, phường đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ đó, đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng chung của 58,2km trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt 81,62%, vượt kế hoạch và cam kết. Tỷ lệ này còn khá đồng đều ở tất cả các quận, huyện, nơi nào cũng đạt từ 70% trở lên.

Với tinh thần, quyết tâm lớn, gương mẫu đi đầu, đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành sớm hơn 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cả về tỷ lệ giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án thành phần 2 và lựa chọn nhà thầu. Đây là điều kiện mấu chốt để thành phố Hà Nội được phép khởi công dự án vào ngày 25-6 tới; trong khi đó, 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh do phê duyệt chậm hơn, chưa chọn được nhà thầu, sẽ tổ chức động thổ vào cùng ngày này.

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chính là cột mốc quan trọng khẳng định từ chủ trương lớn của Trung ương và thành phố Hà Nội cùng với 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, bằng nỗ lực vượt bậc đã và đang hiện thực hóa thành sản phẩm cụ thể, mở hướng cho tương lai phát triển của Vùng Thủ đô, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngay sau khi có chủ trương đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, các sở, ngành, địa phương liên quan đã bắt tay ngay vào công việc với nỗ lực cao nhất, tinh thần khẩn trương nhất. Khối lượng lớn mặt bằng đã sớm được bàn giao, nhiều cách làm mới được thực hiện, người dân đồng thuận giao đất, dời nhà, cùng với đó nhiều cơ chế chính sách đặc thù được ban hành. Nhờ đó, dự án có thể “thần tốc” khởi công, tạo tiền đề hoàn thành sớm theo kế hoạch.

Người dân đồng thuận

Theo Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa Nguyễn Khắc Trung, Đảng ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đảng viên, cán bộ xã, thôn, đến từng nhà có đất nằm trong dự án để tuyên truyền, vận động. Với cách làm này, người dân hiểu và chấp hành, sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.

Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) có chiều dài 3km, diện tích đất thu hồi 32,7ha, phải di dời 44 ngôi mộ. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, cả hệ thống chính trị xã tích cực vào cuộc. Theo Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa Nguyễn Khắc Trung, Đảng ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đảng viên, cán bộ xã, thôn, đến từng nhà có đất nằm trong dự án để tuyên truyền, vận động. Với cách làm này, người dân hiểu và chấp hành, sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.

Tinh thần vì lợi ích cộng đồng, lợi ích đất nước của nhân dân xã Kim Hoa đã lan tỏa ra các xã khác. Đến nay, huyện Mê Linh đã bàn giao cho thành phố 121,19ha/141,5ha, đạt tỷ lệ 85,6% mặt bằng dự án qua địa bàn huyện, vượt kế hoạch thành phố giao, là cơ sở quan trọng để dự án khởi công đúng hẹn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn huyện Mê Linh dài 11,2km, thuộc địa phân 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa; liên quan gần 2.700 hộ dân. “Nỗ lực, phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân đồng thuận thực hiện dự án là “chìa khóa” để huyện làm nhanh việc giải phóng mặt bằng”, ông Lê Văn Khương chia sẻ.

Tuyên truyền vận động cũng là giải pháp hữu hiệu giúp huyện Hoài Đức đạt được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong thực hiện dự án. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, huyện là địa phương có diện tích giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô lớn nhất thành phố, với 239,62ha, liên quan đến 12 xã (tổng số 5.780 hộ dân). Đến nay, 9/12 xã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, với tổng diện tích gần 200ha, đạt 84,1%.

Điển hình như xã Song Phương, đến nay có 1.043 hộ nhận bồi thường, hỗ trợ, bàn giao 49,72ha đất, đạt 95,26%. Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn kể, nhiều hộ có vườn cây ăn quả, đào thế… cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, nhưng vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển của địa phương, đã sẵn sàng chặt cây, bứng gốc, để nhanh chóng bàn giao mặt bằng.

Trong khi đó, tại các huyện: Thường Tín, Thanh Oai, ngay sau khi thành phố Hà Nội bàn giao mốc giới phạm vi phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp với các xã triển khai kiểm đếm tài sản, đất đai, tháo gỡ vướng mắc, sớm triển khai chi trả, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và nhận được sự đồng thuận lớn từ người dân.

thanhoai.jpg
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km.

Cán bộ kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nhất là đối với những hộ có phần mộ nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng để người dân hiểu. Sự quyết liệt từ các cấp chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ dự án của người dân đã giúp công tác giải phóng mặt bằng của huyện Thường Tín đạt kết quả tích cực.

Đến nay, huyện đã kiểm kê, lập hồ sơ 126,41/134,53ha (đạt 93,96%); UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tổ chức chi trả cho 1.248 hộ khoảng 700 tỷ đồng, thu hồi 104,16/134,53ha đất, di chuyển được 1.829/1.846 ngôi mộ.

thanhoai(1).jpg

"Tăng tốc" từ những bước đầu tiên

Song song với giải phóng mặt bằng, thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan đã khẩn trương “vào cuộc”. Chưa bao giờ, trên địa bàn Thủ đô có một dự án được triển khai với tinh thần vào cuộc quyết liệt như vậy. Để bảo đảm kế hoạch khởi công dự án vào cuối tháng 6-2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận huyện giải quyết khẩn trương, kịp thời các hồ sơ, văn bản, công việc liên quan đến dự án trong thời gian 24 giờ đến 48 giờ.

Quy hoạch, chỉ giới, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư và triển khai các gói thầu phải được tiến hành khẩn trương, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời của các cấp, ngành, đơn vị. Những vướng mắc trong quá trình triển khai phải được các đơn vị liên quan giải quyết ngay; kịp thời báo cáo thành phố những nội dung vượt thẩm quyền…

chicuong.jpg
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường phát biểu tại buổi kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường chia sẻ, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn, tính chất phức tạp, đi qua nhiều địa phương, giao cắt nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện trạng (đường cao tốc, quốc lộ, đường sắt…) và liên quan đến nhiều quy hoạch (đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, quy hoạch đô thị,…), trên tuyến bố trí nhiều công trình cầu vượt sông lớn, áp dụng nhiều giải pháp thiết kế, giải pháp kỹ thuật; liên quan đến các dự án thành phần đường song hành hai bên. Vì vậy, sau khi được thành phố giao, Ban quản lý dự án đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai các phần việc theo nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm khởi công dự án đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ban quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung tối đa thiết bị, nhân lực đẩy nhanh khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng công trình các dự án thành phần; khẩn trương thỏa thuận với các cơ quan có liên quan để khớp nối giải pháp kỹ thuật, hạ tầng hai bên tuyến đường để sớm hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt theo tiến độ đề ra; hoàn thành để trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Một trong những vấn đề cũng được Ban quản lý dự án và các sở, ngành đặc biệt quan tâm, đó là khẩn trương khảo sát các mỏ, nguồn vật liệu cung cấp, để dự án không bị ảnh hưởng tiến độ do thiếu nguyên vật liệu.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường, nhu cầu vật liệu toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh ước tính như sau: Đất đắp là 12,012 triệu mét khối; cát đắp, cát xử lý nền đất yếu 10,467 triệu mét khối; cát xây dựng 3,401 triệu mét khối; đá (cấp phối đá dăm, đá đổ bê tông) 7,512 triệu mét khối. ​

Đến nay, việc khảo sát được thực hiện tại Hà Nội và một số tỉnh với tổng số 102 mỏ. Tổng trữ lượng và khả năng khai thác đều vượt nhiều lần nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, ở từng loại vật liệu, để bảo đảm cung cấp theo nhu cầu, tiến độ, đều có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, như mỏ có giấy phép thì trữ lượng thấp hoặc ở xa, không được áp dụng cơ chế đặc thù nâng công suất; mỏ ở gần có thể khai thác thì giấy phép hết hạn hoặc chưa có giấy phép, chưa đấu giá...

Để giải quyết khó khăn này, Ban Chỉ đạo đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù mở rộng cho các tỉnh lân cận (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có các mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu, có cự ly vận chuyển hợp lý, thuận tiện giao thông và có thể cung cấp vật liệu cho dự án.

Ban chỉ đạo cũng thống nhất giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và các tỉnh liên quan rà soát, xây dựng phương án về các mỏ vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó phải thể hiện đầy đủ địa chỉ cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, khả năng khai thác, cung cấp sản lượng theo tiến độ dự án, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được trông đợi sẽ là trục liên kết vùng, trở thành “con tàu” kéo cả Vùng Thủ đô phát triển và tiến về phía trước. Với khả năng kết nối giao thông cùng những lợi ích và tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực, dự án thực sự là bước đi đột phá, một dấu ấn lịch sử.

Diện mạo của một “siêu” dự án

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên dài 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km. Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Theo thiết kế, quy mô tuyến vành đai hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.

Toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 sẽ được xây dựng các nút giao chính bao gồm: Nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nút giao đường trục Mê Linh, quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long, nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ, nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 38, nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Cùng với đó là 3 cầu vượt vượt sông, gồm: 2 cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); cầu Hoài Thượng vượt qua sông Đuống (dài 990m).

Khẳng định quyết tâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, Ban quản lý dự án đã lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang lập thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị phê duyệt để thi công ngay sau khi khởi công.

Với dự án thành phần 3 (xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư - PPP), UBND thành phố Hà Nội đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án đường Vành đai 4). Dự kiến trong tháng 8-2023, dự án được duyệt để lựa chọn nhà thầu và thi công từ đầu năm 2024.

Mở ra những cơ hội lớn

Với thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh nói riêng và với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung, dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là mối liên kết, là động lực quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước.

Với Hà Nội, việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng. Đối với Hà Nội, tuyến vành đai này còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô. Đồng thời, kết nối với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phía Nam Thủ đô.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội ra đời không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, như trục xương sống để tách giao thông liên tỉnh ra khỏi giao thông nội đô, giảm áp lực cho giao thông nội đô. Toàn bộ những chuyến quá cảnh, những chuyến trung chuyển sẽ qua Vành đai 4 để kết nối với 6 tuyến cao tốc, 8 tuyến quốc lộ và 9 đường trục chính của Vùng Thủ đô.

Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, thúc đẩy kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Một điều có thể nhận thấy, tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển cho 7 quận, huyện đi qua, đặc biệt là các huyện vốn nhiều năm nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sau khi sáp nhập về Hà Nội.

Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhận định, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối liên vùng, mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho huyện. Tuyến đường sẽ thúc đẩy kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế làng nghề… qua đó, tạo động lực cho tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện theo tiêu chí đô thị.

Nhận định tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô sẽ hình thành không gian phát triển mới cho địa phương theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch..., Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng, tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng sức
cạnh tranh về giá cho các loại nông sản chủ lực của huyện hiện đang có lợi thế trên thị trường như hoa, cây cảnh; các loại rau, củ, quả...

Lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng khẳng định, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm, là động lực phát triển to lớn đối với địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, người dân trên địa bàn đều hồ hởi, phấn khởi, chờ mong; lãnh đạo các cấp đều ý thức rõ về trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc đầu tư hoàn thành dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, từ đó giảm ùn tắc, ô nhiễm… “Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, bảo đảm giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhiều ý kiến khẳng định, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là trục liên kết vùng, trở thành “con tàu” kéo cả Vùng Thủ đô phát triển và tiến về phía trước. Với khả năng kết nối giao thông cùng những lợi ích và tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực, dự án thực sự là bước đi đột phá, một dấu ấn lịch sử.


Thực hiện: Nhóm phóng viên
Trình bày: Tuấn Điệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn chiến lược, hướng đến tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.