(HNMO) - Cạnh tranh quyết liệt, kinh tế khó khăn, tuyển sinh không được, giá đất thuê lên cao, nợ nần ngân hàng chất chồng vvv.. hàng loạt trường ĐH-CĐ-TCCN ngoài công lập ở phía Nam đã phải rao bán.
Ngoài nguyên nhân tự thân các trường, theo các chuyên gia giáo dục, tình cảnh trên còn bởi công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đào tạo nguồn nhân lực làm chưa đúng…
Trường Trung cấp Mai Linh đã có chủ đầu tư khác. |
Ngậm ngùi bán trường
Nguồn thu chính của trường là học phí nhưng lượng học viên chỉ tính trên đầu ngón tay, trong khi nợ nần ngân hàng chất chồng, lương giáo viên, chi phí hoạt động vẫn phải chi trả, từ đầu năm 2013 chủ đầu tư Trường Trung cấp Trường Sơn (tỉnh Đắk Lắk) đã buộc phải rao bán trường. Nhưng lúc kinh tế khó khăn, việc mua lại “món nợ” không phải ai cũng “đủ gan”. Thế nên nhưng mãi tới tháng 8-2013 mới có một doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mua lại Trường Trung cấp Trường Sơn để đầu tư.
Trường hợp trên không phải là điển hình. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt chủ đầu tư cũng phải bán trường mình như Trường Trung cấp Mai Linh TP.Hồ Chí Minh (thành lập gần 10 năm) vừa được chuyển sang cho một nhà đầu tư giáo dục khác. Trường ĐH Văn Hiến TP Hồ Chí mInh cũng được một “đại gia” ngành thủy sản mua lại đầu năm 2013. Đặc biệt, Trường trung cấp công thông tin Viễn Thông Đồng Nai (Đồng Nai) có thể nói là hy hữu khi trong vòng 2 năm (2012 và 2013) phải “sang tay” cho 5 đối tác. Theo ông Phạm Văn Khách – nguyên hiệu trưởng Trường trung cấp CNTT Viễn Thông Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến tình thế bi đát của trường là do tại Đồng Nai có quá nhiều trường đào tạo trung cấp, lượng tuyển sinh đầu vào của trường hằng năm teo tóp dần, cùng với giá tiền thuê đất quá cao dẫn tới nợ ngân hàng ngày càng tăng lên.
Không chỉ năm 2013, năm 2012, theo thống kê, tại TP.Hồ Chí Minh có đến 5 trường ĐH và CĐ phải thay thế chủ đầu tư như Trường ĐH công nghệ thông tin Gia Định, Trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Gia Định…
Thực tế, sau khi có chủ đầu tư mới, nhiều trường như Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH CNTT Gia Định… đã khởi sắc. Tuy vậy, nhiều nhà giáo gắn bó lâu năm với trường cũng ngậm ngùi, lo lắng khi sự khốc liệt của kinh tế thị trường tấn công lĩnh vực giáo dục.
Nguyên nhân?
Theo một chuyên gia ngành giáo dục, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn thì căn nguyên sâu hơn dẫn tới tình cảnh trên là do công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đào tạo nguồn nhân lực làm chưa đúng. Nghề xã hội cần, có nhu cầu lớn thì ít trường mở trong khi nhiều nhà đầu tư mở trường theo nhu cầu người học. Tình cảnh đó dẫn tới sinh viên học xong không có đầu ra hoặc làm việc không đúng ngành nghề, doanh nghiệp phải đào tạo lại…khiến trường mất uy tín và việc tuyển sinh những năm sau cứ thế teo tóp dần.
Nguyên nhân nữa, theo Thạc sĩ Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng (TP Hồ Chí Minh), là do các trường phát triển quá nóng trong thời gian gần đây. Một vài trường ở những địa bàn thuận lợi, có những ngành học lợi thế đã tuyển sinh ồ ạt không kiểm sóat làm cạn kiệt nguồn tuyển sinh của những trường khác. Mặt khác, nhiều chưa chú trọng chất lượng đào tạo, tạo ra hiệu ứng không tốt từ xã hội ảnh hưởng tòan hệ thống.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, lĩnh vực giáo dục thời nay đang vận động theo quy luật tất yếu của thị trường (mua bán sát nhập…). Tuy nhiên đầu tư lĩnh vực giáo dục cũng là loại hình đặc thù, đòi hỏi nhà đầu tư phải có nhiều nội lực tổng hợp như đất đai, tài chính, con người và đặc biệt là lòng yêu nghề, vì thế hệ tương lai đất nước chứ không chỉ chăm chăm vào lợi nhuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.