Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng trống và tham vọng

Trung Hiếu| 22/12/2011 07:13

(HNM) - Vài ngày sau khi Mỹ chính thức tuyên bố kết thúc cuộc viễn chinh kéo dài gần 9 năm tại Iraq, chính trường nước này đã bùng phát cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Ngay lập tức, lệnh bắt đã gây những phản ứng khác nhau trong nội bộ quốc gia vùng Vịnh này. Ngày 20-12, Thủ tướng Nuri al-Maliki kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp giữa các đảng phái nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Còn Tổng thống Jalal Talabani lên tiếng chỉ trích quyết định vội vàng của Hội đồng Thẩm phán Tối cao. Ông Hassud Barzani, người đứng đầu khu tự trị của người Kurd, cũng cảnh báo tình hình đang dẫn tới khủng hoảng sâu sắc và quan hệ giữa các đảng cầm quyền đang bị đe dọa.

Đoàn xe cuối cùng của quân đội Mỹ rời Iraq để lại quốc gia này nhiều khoảng trống quyền lực.


Trong bối cảnh khủng hoảng cũ chưa có lối thoát, khủng hoảng mới nảy sinh khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về tương lai của Iraq. Trước đó, ngày 17-12, khối chính trị của người Sunni (Iraqiya) tuyên bố tẩy chay Quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng N.Maliki chậm trễ trong giải quyết những bế tắc chính trị khi hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd. Khối Iraqiya có 82/325 ghế tại Quốc hội và chỉ kém số ghế của Liên minh dân tộc của Thủ tướng N. Maliki do cựu Thủ tướng Iyad Allawi đứng đầu, nói rằng họ ngừng tham gia hoạt động của Quốc hội cho đến khi có tuyên bố tiếp theo. Cụ thể, ông N.Maliki vẫn chưa bổ nhiệm những vị trí quan trọng là Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh vốn đã bị bỏ trống hơn một năm qua vì tranh cãi chính trị.

Rõ ràng, những lo ngại của cộng đồng quốc tế bấy lâu nay về cuộc tranh giành quyền lực tại Iraq khi quân Mỹ rút đi là hoàn toàn có cơ sở. Bởi các sự việc này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Washington tổ chức lễ hạ cờ (15-12), đánh dấu sự chấm dứt sứ mệnh gần 9 năm tại nước này. Với nước Mỹ, rút quân là thượng sách, kết thúc chiến dịch quân sự tốn kém nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II; phù hợp với nguyện vọng của người dân Mỹ (có tới 70% người ủng hộ). Tuy nhiên, với người Iraq thì cuộc chiến kết thúc nhưng không hẳn bóng đen của bạo lực, xung đột đã lùi xa. Bởi quân Mỹ rút đi có thể thúc đẩy động cơ mang tính bè phái muốn chia cắt quốc gia Trung Đông này thành ba: người Kurd các tỉnh miền Bắc nhiều dầu khí, người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Sunni các tỉnh miền Trung và phần còn lại (cũng nhiều dầu khí) ở miền Nam dành cho người Hồi giáo dòng Shiite. Hồi đầu năm 2011, bốn tỉnh miền Trung gồm Salah al-din, Diyala, Anbar và Nineveh đã hô hào thành lập quốc gia độc lập của người Hồi giáo dòng Sunni vì "chính phủ trung ương do những người Hồi giáo dòng Shiite thống trị không quan tâm tới lợi ích, đối xử với họ như những công dân hạng hai". Và, những sự việc vừa diễn ra cho thấy mối nghi ngại của cộng đồng quốc tế về một nước Iraq bất ổn thời hậu chiến đang là một thực tế. Dư luận còn lo ngại, cuộc chiến quyền lực tại đất nước này sẽ còn quyết liệt hơn khi hiện nay mỗi đảng phái đều có những nhóm tay súng riêng.

Quân đội Mỹ đã rút. Một Iraq hiện tại không như dự định ban đầu khi Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến rằng "lật đổ một chế độ độc tài để xây dựng một Iraq mới dân chủ". Sau gần 9 năm nhìn lại, nền dân chủ tại Iraq vẫn chưa thấy đâu; nhưng, điều có thể thấy rõ là xứ sở Nghìn lẻ một đêm đã kiệt quệ với tỷ lệ thất nghiệp tới 15%, hơn 34% người dân sống dưới mức nghèo đói, 35% trẻ em mồ côi cha mẹ... Chấm dứt một cuộc chiến, chấm dứt sự mất mát tại Iraq được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên, sau cuộc triệt thoái vừa hoàn tất của Mỹ đã ngay lập tức tạo ra một khoảng trống quá lớn tại Iraq cho những tham vọng bè phái. Thực tế này đặt vùng Vịnh chưa hết căng thẳng vào mối âu lo lớn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống và tham vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.