(HNM) - Vụ việc 4 công nhân đang dựng cột, kéo dây cáp quang tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ bị đường dây 35kV phóng điện khiến tất cả tử vong vào ngày 26-10 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm nếu vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Nhiều hộ dân xây nhà ở sát đường dây 35kV, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn (ảnh chụp tại xã Quất Động, huyện Thường Tín). |
Ngang nhiên vi phạm không bị xử lý
Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện đã quy định cụ thể khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tổ chức, hộ gia đình ngang nhiên vi phạm các quy định với các lỗi phổ biến như: Lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, tự ý xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình, trồng cây... vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI), tính đến hết tháng 12-2017 trên địa bàn thành phố còn 381 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Hầu hết vi phạm đều tồn tại từ năm 2005, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (nay là Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ).
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn diễn ra rất phức tạp. Tại huyện Thường Tín hiện còn trên 30 trường hợp vi phạm (giảm hơn 40 trường hợp so với đầu năm 2017). Vi phạm tập trung nhiều nhất là đường dây 35kV (dây trần), thuộc các lộ 375, 376, 370 chạy dọc quốc lộ 1A cũ. Đặc biệt, tại xã Nhị Khê và Thắng Lợi, không ít hộ xây dựng nhà kiên cố, công trình phụ, ban công… nằm sát đường dây 35kV, nên nguy cơ bị điện giật, cháy, chập đường dây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tương tự, tại huyện Thạch Thất hiện tồn tại 20 trường hợp vi phạm dưới đường dây 35kV chạy qua xã Hữu Bằng. Hầu hết các trường hợp đều vi phạm nghiêm trọng khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định: Nằm cách đường dây dưới 2m - trong khi đó theo quy định phải cách 3m...
Nỗ lực khắc phục vi phạm
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhiều địa phương buông lỏng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, để người dân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp hoặc lấn chiếm đất công nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ. Thậm chí, một số địa phương còn cấp đất cho nhân dân ngay dưới đường dây cao áp nên khi xây dựng công trình cao tầng đã dẫn đến vi phạm. Ngoài ra, ý thức của người dân hạn chế, cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Nói về những khó khăn, ông Khúc Văn Thức, Trưởng phòng Kỹ thuật và An toàn, Công ty Điện lực Thường Tín cho biết: "Vi phạm tồn tại nhiều nhưng không dễ xử lý. Bởi, hiện nhiều hộ vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên họ có quyền xây dựng trên đất được cấp. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là chuyển đường dây ra vị trí khác hoặc chuyển các hộ dân. Song, hai giải pháp này đều khó thực hiện vì tốn kém kinh phí và thời gian".
Ông Nguyễn Tiến Hiệp, Ban Quan hệ cộng đồng, EVN HANOI cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục. Cụ thể, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt trong mùa mưa bão. Cùng với đó là phối hợp với chính quyền các cấp ngăn chặn nhiều trường hợp xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, công trình, lấn chiếm vào hành lang an toàn lưới điện cao áp...
Mặc dù EVN HANOI đã nỗ lực thực hiện các giải pháp, nhưng tình hình sự cố lưới điện do các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến công tác vận hành, đời sống và sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Để giảm thiểu tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn Hà Nội hiện nay, ngoài nỗ lực giải quyết của ngành Điện rất cần sự quan tâm vào cuộc của các sở, ngành, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân.
9 tháng năm 2018, EVN HANOI đã làm việc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại các đơn vị. Tính đến ngày 25-9, toàn thành phố đã xử lý được 116/381 trường hợp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn giải quyết triệt để các trường hợp phát sinh mới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.