(HNM) - Hà Nội là thành phố có nhiều di tích lịch sử,văn hóa (nhiều di tích chỉ còn là phế tích). Từ góc nhìn ngày hôm nay, quan niệm của ngày hôm nay, không phải di tích nào cũng có giá trị lịch sử, văn hóa và do khu vực đàn Xã Tắc chưa được khai quật toàn diện nên chỉ có thể khẳng định đàn Xã Tắc có giá trị lịch sử, còn giá trị văn hóa (kiến trúc) chắc chắn phải phát lộ hết di tích mới có thể đánh giá được.
Cũng do chưa được khai quật toàn diện nên chúng ta cũng không thể biết một cách chính xác phần nào nằm ngoài vùng lõi của đàn Xã Tắc. Theo ý kiến của một số người, nên làm cầu theo hướng phố Nguyễn Lương Bằng -Tôn Đức Thắng, như thế có một câu hỏi đặt ra là nếu chân cầu đụng vào di tích ngoài vùng lõi thì ai chịu trách nhiệm?
Nói về tâm linh, các triều đại phong kiến Việt Nam xưa còn coi trọng yếu tố tâm linh hơn ngày nay nhiều, vậy tại sao các triều nhà Trần; nhà Lê vào những lúc hưng thịnh sao không cho khôi phục đàn Xã Tắc (khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa hiện nay được cho là có liên quan đến đàn Xã Tắc được lập từ thời vua Lý Thánh Tông)? Theo thời gian, khu vực này là ao, ruộng rau muống rồi nhà dân, tại sao khi còn là nhà dân, chưa giải tỏa để làm đường Xã Đàn, không thấy ai nói đến chuyện tâm linh? Lại có ý kiến làm cầu vượt khiến các phương tiện đi trên di tích sẽ không ổn về tâm linh, vậy hiện nay các phương tiện giao thông vẫn đi qua di tích 24/24 giờ và đủ 365 ngày thì sao? Nếu lấy yếu tố tâm linh để chứng minh rằng không nên làm cầu vượt ở khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa là không thuyết phục.
Giữ gìn các di tích văn hóa, lịch sử, di tích lịch sử cách mạng không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền và đặc biệt là người dân. Thế nhưng trong các bài phỏng vấn trên một số tờ báo về cầu vượt Ô Chợ Dừa, chỉ thấy phỏng vấn các nhà khoa học, không thấy có ý kiến của người dân. Quan điểm của các nhà khoa học là quan điểm cá nhân, không đại diện cho đông đảo người dân Hà Nội.
Xây cầu vượt để hạn chế ùn tắc là xây cho dân, tiền xây cầu vượt cũng là tiền đóng thuế của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Hãy để cho dân tự quyết và ở đây Hội đồng nhân dân TP Hà Nội do dân bầu ra. Họ chính là đại diện hợp pháp của hơn 7 triệu nhân dân Thủ đô. Do vậy Hội đồng nhân dân TP Hà Nội là người đại diện chính đáng nhất thay mặt nhân dân Thủ đô quyết định việc khó này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.