(HNM) - Sau khi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) công bố kết quả xét nghiệm mẫu tương ớt của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Tuấn Thành (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có chứa Rhodamine B (một loại phẩm màu công nghiệp độc hại), một chuyên gia của Viện khẳng định, rất khó quản lý, giám sát chất lượng mặt hàng này bởi các nguyên liệu sản xuất phần lớn không có nguồn gốc, được mua bán trên thị trường tự do.
Không chỉ tương ớt, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của nhiều địa phương cũng liên tiếp phát hiện chất Rhodamine B trong hạt dưa, ớt bột, sa tế… Rhodamine B là chất độc hại (có thể gây tổn thương đến gan, thận, thậm chí gây ung thư nếu lượng hóa chất tồn dư nhiều trong cơ thể) đã được Bộ Y tế đưa vào danh mục bị cấm sử dụng nhưng cả người sản xuất và người tiêu dùng đều vẫn coi thường.
Cũng theo vị chuyên gia này, ngay cả những chất phụ gia có trong danh mục được phép sử dụng, nếu sử dụng không đúng cũng có thể là nguy cơ gây ngộ độc và bệnh tật, như chất ngọt tổng hợp (còn gọi là saccarin) hay hàn the (borat natri) được dùng để sát khuẩn trong chế biến, bảo quản thực phẩm, làm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm lâu hỏng, thực phẩm được dẻo, dai, cứng. Trẻ em ăn phải sữa có bảo quản bằng hàn the ở hàm lượng 1-2gam/kg thể trọng sẽ bị chết trong vòng 7-10 giờ tùy theo khối lượng hấp thụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.