An toàn thực phẩm

Khó lường với bánh trái bán ở vỉa hè

Xuân Lộc 14/07/2023 - 07:22

Thời tiết mùa hè nắng nóng, thức ăn dễ bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là các loại bánh trái bán ở vỉa hè. Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn là một bệnh lý thường gặp nhưng phần lớn người dân đều nghĩ đây là bệnh lý đơn giản, không nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 hằng ngày vẫn gặp rất nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch.

Mới đây, bệnh nhân N.B được chuyển đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, sốt cao, đau bụng, đi ngoài phân lỏng… và được duy trì thuốc vận mạch liều cao. Sau khi hoàn thiện các xét nghiệm cơ bản, ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa của bệnh viện để điều trị hồi sức tích cực. Sau 3 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân cắt được thuốc vận mạch, tự thở tốt và chức năng thận phục hồi tốt.

Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân đang đi chăm sóc cháu tại bệnh viện tỉnh. Sáng cùng ngày, bệnh nhân có ăn bánh tẻ do con trai mua cho. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân bắt đầu thấy đau bụng âm ỉ, quặn cơn, buồn nôn, nôn nhiều kèm đại tiện phân lỏng nước. 4 giờ sau ăn, bệnh nhân rơi vào tình trạng mệt lả, lơ mơ, da tím tái, tụt huyết áp, bệnh nhân được cấp cứu ngay tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Cũng may, nhờ được cứu chữa kịp thời nên bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến tính mạng. Dù sao, đây cũng là bài học cho cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người khác trong việc sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc.

Trước đó, tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cũng tiếp nhận ca bệnh với chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê mua ngoài đường, đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân bắt đầu buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng: Ý thức tỉnh, kích thích, môi khô, đau bụng nhiều, nôn, sốt cao, huyết áp thấp… May mắn, bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị, chăm sóc kịp thời, toàn trạng ổn định và được ra viện.

Tiến sĩ - Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 lưu ý, nhiễm khuẩn, nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa. Bệnh cảnh lâm sàng chính là hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính. Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng. Thậm chí, nhiễm bệnh sau khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm salmonella, như: Thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín… hoặc hoa quả, nước uống bị nhiễm salmonella…

Từ những ca bệnh ngộ độc nêu trên, Thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, các bệnh nhân này là những trường hợp may mắn vì được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không được may mắn như vậy.

Qua đây, mong rằng người dân cần chú ý, khi thời tiết nắng nóng, thực phẩm ôi thiu nhanh hơn, do đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cần được đặc biệt chú ý, trong đó hết sức chú ý khi mua và sử dụng thức ăn, bánh trái đường phố. Khi có biểu hiện đau bụng, nôn và đi ngoài cần đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời để được điều trị đúng cách. Tránh trường hợp bệnh nhân chủ quan, tự ý dùng thuốc cầm đi ngoài dẫn đến bệnh tiến triển nặng và nguy kịch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó lường với bánh trái bán ở vỉa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.