(HNM) - Tình trạng doanh nghiệp “đuối sức” vẫn đang diễn ra trên diện rộng và không loại trừ bất cứ ngành hay lĩnh vực nào.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do tồn đọng sản phẩm. Ảnh: Trung Kiên |
Theo đại diện Hội DN vừa và nhỏ Hà Nội, tình trạng tồn đọng sản phẩm, không tìm được biện pháp giải phóng hàng trong kho đang là cơn ác mộng đeo bám rất nhiều đơn vị. Thực trạng này làm mất khả năng thu hồi vốn, gây đọng vốn, đẩy DN vào tình thế hoạt động cầm chừng, công nhân thiếu việc làm. Khác với giai đoạn trước, khi các DN phải cạnh tranh, mất nhiều công sức để được vay vốn thì đến nay, việc vay vốn không còn khó khăn. Ngược lại, họ không dám vay bởi phải tự đặt câu hỏi: Vay để làm gì và làm gì để có thể trả nợ gốc cộng với lãi suất ngân hàng? Các nhà quản lý cũng nhận xét rằng, DN dám vay vốn tức là chưa đến mức kiệt sức, còn khả năng hấp thụ và sử dụng vốn để thoát hiểm.
Năm tháng đầu năm nay, Hà Nội đã có 1.134 DN tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và 328 DN tuyên bố giải thể. Trong đó, những đơn vị thuộc ngành bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, hàng gia dụng… rơi vào cảnh khó khăn nhất. Hiện chỉ có khối DN thuộc lĩnh vực du lịch và dịch vụ liên quan là còn "nhúc nhắc" bởi mùa du lịch đã khởi động, lượng du khách, nhất là khách quốc tế, bắt đầu xuất hiện tấp nập tại hầu khắp địa điểm du lịch nổi tiếng.
Sức mua trên thị trường nội địa tiếp tục giảm mạnh, không còn là chỗ dựa cho cộng đồng DN như trước đây. Cụ thể, giá tiêu dùng tại các đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục giảm so với tháng trước do người tiêu dùng không còn mặn mà với việc mua sắm. Thay vào đó là tâm lý thắt chặt chi tiêu. CPI cả nước trong tháng 5 cũng giảm so với tháng trước. Ngoài ra, khả năng và kim ngạch xuất khẩu đang trong xu hướng giảm, biểu hiện qua sự suy giảm tốc độ xuất khẩu, với mức giảm 2-3% so với đầu năm. Một số mặt hàng chủ lực, có giá trị và tỷ trọng lớn đã suy giảm về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 như dệt may, điện thoại và linh kiện, thủy sản. Nếu tình hình này không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước trong những tháng tới.
Trên bình diện toàn quốc, hiện số DN mới đăng ký thành lập và số DN ngừng hoạt động đã gần bằng nhau, cảnh báo một thực tế là nguồn lực trong xã hội đang dần cạn. Hơn thế, niềm tin vào sức sống của thị trường, khả năng sinh lời của đồng vốn đầu tư bằng con đường kinh doanh đã suy giảm mạnh. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, năm 2013, kinh tế Việt Nam chưa thể được cải thiện rõ rệt mà mới chỉ có thể "thoát đáy" để chuẩn bị bước vào hồi phục trong giai đoạn tiếp sau. Một số chuyên gia cho biết, thực tế có lẽ còn đáng lo ngại hơn cả những thông báo bởi DN đang phải chèo chống từng ngày và mỗi ngày một đuối hơn. Cần nhận rõ vấn đề là, trong số những đơn vị chưa công bố ngừng hoạt động hay giải thể thì không phải là đơn vị nào cũng an toàn, thực chất họ đang giảm công suất hoạt động của dây chuyền sản xuất xuống gần mức tối thiểu.
Trước tình hình đầy thách thức, bất lợi như trên, phần lớn DN đều cố gắng đến mức cao nhất có thể, hy vọng có thể trụ lại hay ít nhất là giảm thiểu thiệt hại. Một số DN nhận định rằng, cần khẩn trương tìm kiếm thị trường mới, phục vụ mục tiêu tiêu thụ hàng hóa, trong đó tập trung vào thị trường mới nổi ở khu vực Nam Mỹ và Châu Phi. Chủ DN nên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chủ động đặt vấn đề và trao đổi thông tin với đại diện thương mại các nước ở Việt Nam để có thêm cơ hội xuất khẩu hàng. Tuy nhiên, không có mẫu số chung để vượt khó cho các DN bởi hoàn cảnh, tiềm năng và lĩnh vực hoạt động của mỗi đơn vị khác nhau. Về phía cơ quan quản lý, DN mong muốn có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nhất là tư duy và trách nhiệm của từng cán bộ làm công tác này để môi trường kinh doanh được cải thiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.