Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó dứt căn bệnh lạm thu?

Thống Nhất| 30/09/2012 06:19

(HNM) - Tuần qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã đi khảo sát tình hình thu, chi học phí và các khoản thu khác ngoài học phí năm học 2012-2013 tại nhiều trường học.

Đây là năm học đầu tiên Hà Nội ban hành danh mục và mức trần cụ thể cho các khoản thu thỏa thuận, nhằm tránh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cho thấy công tác thu chi đầu năm học vẫn còn có nhiều kẽ hở gây bức xúc dư luận…

Cần công khai, minh bạch và kiểm tra, giám sát, quản lý các khoản thu, chi tại các trường học. Ảnh: Linh Tâm

Thu thỏa thuận: mỗi nơi một kiểu

Từ thực tế kiểm tra, quản lý tình hình thu - chi tại các trường học những năm học trước, năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản quy định rõ nội dung và mức thu của các khoản thu thỏa thuận nhằm tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" ở các nhà trường. Đây là những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh nhằm thực hiện một số nhiệm vụ thay phụ huynh trong việc nuôi, dạy HS như ăn, uống chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, học 2 buổi/ngày… Việc ban hành danh mục này được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng thu nhiều, thu sai ở các đơn vị và là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát. Song thực tế, việc triển khai ở các nhà trường vẫn khá "linh hoạt". Trong danh mục khoản thu thỏa thuận của Trường THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) có cả tiền ghế chào cờ cho HS khối 6, tiền học phẩm, tiền chụp ảnh dán thẻ bảo hiểm, làm bằng tốt nghiệp… Phụ huynh HS lớp 10 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan cho biết ngoài tiền ghế nhựa, cơ sở vật chất, bảo trì máy tính, HS còn phải nộp cả tiền đề cương kiểm tra, giấy đề kiểm tra, tiền trông xe đạp…

Khoản thu của ban đại diện cha mẹ HS với phụ huynh HS cũng khiến dư luận nhiều nơi bức xúc. Các trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy thống nhất mức thu quỹ phụ huynh lớp trên dưới 200 nghìn đồng/HS/năm học, trong đó trích khoảng 1/3 hoặc 1/4 kinh phí cho hoạt động của quỹ phụ huynh trường. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tạm thu qũy phụ huynh trường 50 nghìn đồng/ HS/năm học, còn quỹ phụ huynh lớp thu quyết toán theo từng hoạt động, sự kiện. Trường THCS Giáp Bát thu riêng hai loại quỹ, trong đó quỹ phụ huynh trường 100 nghìn đồng/HS/học kỳ, quỹ phụ huynh lớp cao nhất là 300 nghìn đồng/HS/học kỳ, thấp nhất 200 nghìn đồng/ HS/học kỳ. Trong khi đó, hiếm nơi nào trình ra được kế hoạch cụ thể rằng mức thu ấy được dùng vào những việc gì, lộ trình ra sao… tóm lại là chỉ mới công khai khi thu. Cùng nằm trong khoản thu của ban đại diện cha mẹ HS với phụ huynh, song ở một số trường, ngoài quỹ phụ huynh còn lập thêm quỹ khuyến học. Việc mập mờ khi giải trình nội dung chi của hai loại quỹ này (khi có những nội dung chi trùng nhau như khen thưởng, bồi dưỡng HS giỏi…) khiến nhiều phụ huynh khó chấp nhận.

Tình trạng “lạm thu” đầu năm học gây khó khăn cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khắn. Ảnh: Linh Tâm

Vì sao?

Một trong những lý do mà các trường đề cập khi triển khai chưa đúng quy định về thu - chi là do văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành chậm (văn bản số 8568/SGD&ĐT- KHTC ngày 11-9-2012) trong khi các trường đã hoạt động từ tháng 8. Quá trình khảo sát còn cho thấy hiệu trưởng nhiều trường vẫn khá lơ mơ, không nắm rõ quy định. Trường THCS Ngô Quyền (Sơn Tây) thu cả tiền học phẩm, trong khi quy định nêu rõ học phẩm chỉ có ở cấp mầm non; lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng thừa nhận việc triển khai các khoản thu tại Trường THCS Giáp Bát không đúng với chỉ đạo của quận, vì thế nên sẽ tổ chức họp toàn thể ban giám hiệu các trường trên địa bàn vào đầu tuần này để quán triệt và kịp thời chấn chỉnh.

Căn nguyên của những bức xúc từ phía phụ huynh chủ yếu là do cách thức các trường triển khai các khoản thu dưới danh nghĩa thỏa thuận hoặc tự nguyện. Dù có quy định rõ quy trình thỏa thuận phải qua những công đoạn nào, gồm những việc gì, song nhiều phụ huynh khi được hỏi đều cho biết chẳng được ai thỏa thuận gì, các khoản thu đã được thỏa thuận từ bao giờ, mà chỉ thấy thông báo phải nộp khoản này, khoản kia với mức thu bao nhiêu.

Rõ ràng, chỉ riêng với khoản thu thỏa thuận đã thấy khó có thể đưa ra một đáp án chung phù hợp ở mọi địa bàn. Vấn đề quan trọng lúc này là việc kiểm tra, giám sát, quản lý thế nào để các trường không thể làm bừa, hoặc núp dưới danh nghĩa thỏa thuận, tự nguyện để lạm thu. Trên nhiều diễn đàn, phụ huynh đã bày tỏ sự bức xúc và đặt câu hỏi: Tình trạng lạm thu đã diễn ra nhiều năm, ở nhiều nơi mà tới giờ cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra cách ngăn chặn? Văn bản quản lý có nhiều, mà sao thực thi mỗi nơi một kiểu? Tại sao ngành GD-ĐT, các địa phương không xử lý kiên quyết và mạnh tay hơn khi phát hiện sai phạm?... Không ít phụ huynh đã hiến kế: cần cách chức hiệu trưởng nếu có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc kiểm tra, kêu gọi phát hiện vi phạm…

Năm nào ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương nhiều nơi cũng thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi trong trường học, nhưng việc xử lý vi phạm vẫn chỉ dừng ở việc yêu cầu trả lại cho phụ huynh mà chưa có chế tài mạnh đủ sức răn đe. Trong khi đó, việc kiểm tra cũng chỉ có thể thực hiện ở một số nơi và thường mang tính thời vụ… Rõ ràng, việc "giơ cao, đánh khẽ" của các cấp có thẩm quyền khi phát hiện sai phạm là một trong những nguyên nhân cơ bản góp phần làm cho căn bệnh lạm thu chưa thể chữa trị triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó dứt căn bệnh lạm thu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.