Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó doanh nghiệp, khổ nông dân

Đặng Loan| 21/03/2013 06:05

(HNM) - Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nông dân bỏ ao, bỏ chuồng; sản xuất chế biến thức ăn gia súc, gia cầm bị đình đốn… Tất cả hệ lụy đổ lên vai người tiêu dùng.



Tại hội nghị sơ kết công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 20-3, các doanh nghiệp đã nêu lên hàng loạt vấn đề. Trong khi đó, người chăn nuôi cũng "kêu trời" vì giá thu mua gia súc, gia cầm giảm mạnh mà giá TĂCN lại cao.

Phân phối lòng vòng, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tự làm khó mình. Ảnh: Tuệ Doanh


Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco (Đồng Nai) cho biết: "Hai tháng đầu năm, sản lượng của Proconco sụt giảm khoảng 15-20% (Proconco đang chiếm khoảng 15% thị phần)". Theo bà Hồng, thông thường sau Tết người chăn nuôi sẽ tái đàn, nhưng năm nay do giá thu mua thịt gia súc, gia cầm giảm nên nhiều người không chăn nuôi nữa. Điều này sẽ tác động rất lớn đến các DN, vì người chăn nuôi bỏ ao, bỏ chuồng thì các nhà máy chế biến thức ăn không bán được hàng, càng đình đốn thêm.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam khẳng định, năm 2012 các DN TĂCN đã nỗ lực rất lớn để không tăng giá thêm. Bên cạnh đó, giá TĂCN cũng chưa tăng cao bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, giá CPI năm 2012 tăng 6,81% trong khi giá thức ăn hỗn hợp cho lợn, gà chỉ tăng 4,8% và 4,7%.

Các DN cho rằng cái khó của sản xuất TĂCN là phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2012, để sản xuất được khoảng 12,7 triệu tấn thức ăn cho gia súc, gia cầm và 2,8 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản thì các DN phải nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu, trị giá hơn 3 tỷ USD. Điều đáng nói, trên thực tế có nhiều sản phẩm như ngô, sắn lát, dừa phải nhập khẩu trong khi Việt Nam vẫn xuất khẩu… Những loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu đậu tương phải nhập khẩu 70-80%. Các loại vitamin khoáng, khoáng vi lượng, các chất phụ gia bổ sung, các chất chống ôxy hóa… phải nhập khẩu 100%. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến cho giá thành sản xuất TĂCN luôn bị động. Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng nói: "Luôn "ấm ức" khi phải đi đến một đất nước cách nửa vòng Trái đất mua ngô trong khi Đồng Nai, nơi Proconco đặt trụ sở, là đất nông nghiệp".

Bên cạnh phụ thuộc nguồn nguyên liệu, các DN còn cho rằng những bất cập trong quản lý khiến DN càng thêm khó khăn, làm tăng giá thành TĂCN, mà cuối cùng người chăn nuôi phải gánh chịu. Ví dụ, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có tiêu chuẩn về phụ gia nhập khẩu; chưa có quy định sai số cho phép trong giám định kết quả phân tích (nên thiếu hay thừa dù chỉ 0,05%, DN cũng bị "hành"). Ngoài ra, việc thay đổi thuế suất nhập khẩu từ 0% (dành cho các chế phẩm trong chăn nuôi động vật, chất bổ sung thức ăn) sang 5% (dành cho hỗn hợp chất thơm dùng sản xuất đồ uống) khiến nhiều DN lao đao vì bị truy thu thuế…

Người chăn nuôi đang “kêu trời” vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao. Ảnh: Ngô Nguyên


Ông Đàm Văn Hoạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - sản xuất Trại Việt nhận xét: "Giá cả liên quan từ sản xuất đến phân phối sản phẩm, lưu thông từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng và chưa có nước nào có chuỗi dài như ở Việt Nam. TĂCN từ công ty đến đại lý cấp 1, cấp 2 rồi mới đến người nuôi; còn thịt phải qua thương lái, bán buôn, bán lẻ, tiền quầy sạp… mới đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, người chăn nuôi bị lỗ do bán giá thấp, còn người tiêu dùng cuối cùng lại chịu thiệt thòi bởi giá cao". Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình chia sẻ thông tin là "nhiều người nói kinh doanh TĂCN là bán hàng đa cấp, vì quá nhiều tầng nấc trung gian, ưu đãi cho các đại lý TĂCN quá nhiều". Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng cho rằng: Vì đặc trưng của chăn nuôi vẫn là nhiều hộ nhỏ, chưa có nhiều trang trại lớn, trong khi đó các công ty sản xuất TĂCN không thể đi bán đến hàng nghìn hộ chăn nuôi, mà bắt buộc phải bán qua đại lý. Đây là vòng luẩn quẩn khiến cả người chăn nuôi lẫn tiêu dùng đều khổ".

Năm 2012, cả nước có 24 doanh nghiệp sở hữu 68 nhà máy TĂCN. 15 DN có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh sở hữu 44 nhà máy, sản xuất hơn 7,1 triệu tấn TĂCN/năm, chiếm 56,2% thị phần cả nước. Các tập đoàn, tổng công ty, công ty cổ phần trong nước sở hữu 24 nhà máy, sản xuất hơn 3,1 triệu tấn TĂCN/năm, chỉ chiếm 24,6% thị phần.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó doanh nghiệp, khổ nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.