(HNM) - Theo Tổng sơ đồ điện VII (TSĐ VII), đến năm 2020 nhu cầu tổng công suất nguồn trên cả nước cần khoảng 75.000 MW. Tuy nhiên, từ khi xây dựng ngành điện đến nay cả nước mới đưa vào hoạt động được hơn 24.000 MW.
Công nhân điện lực duy tu, bảo dưỡng đường dây.Ảnh: Ngọc Hà
Theo Bộ Công thương, sau 5 năm thực hiện TSĐ VII, khối lượng đầu tư công trình nguồn điện chỉ đạt 69% so với kế hoạch; tổng công suất nguồn đưa vận hành được 10.081 MW, đạt 69,1%; đầu tư lưới điện truyền tải chỉ đạt 50% so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ là do khó khăn trong việc thu xếp vốn; giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu hạn chế; khó khăn trong việc nhập khẩu than khiến một số dự án nhiệt điện than phải thay đổi thiết kế. Việc phụ thuộc nhiều vào thiết bị nhập, các khung pháp lý chưa đủ sức thu hút đầu tư, thiếu đồng bộ trong quy hoạch lưới điện dẫn đến phải điều chỉnh dự án. Ngoài ra, còn phải kể đến việc thiếu kiểm tra, rà soát của các cơ quan quản lý, thiếu chế tài xử phạt nhà thầu làm chậm tiến độ… Quyết định phân kỳ thiết kế kỹ thuật thành các giai đoạn khiến cho việc xác định khối lượng có thể bị chồng chéo, dẫn đến xác định tổng dự toán, cũng như dự toán chi tiết không chính xác. Tổ chức thi công không đồng bộ, việc chỉ định thầu toàn bộ các bước triển khai dự án có thể dẫn đến tình trạng một số tổng thầu phải thực hiện đồng thời nhiều dự án trên toàn quốc nên dàn trải nguồn nhân lực…
Nan giải nhất hiện nay vẫn là giải quyết vốn đầu tư cho các công trình. TSĐ VII yêu cầu vốn đầu tư cho ngành điện bình quân khoảng 5 tỷ USD/năm. Đây là mức đầu tư lớn và trong điều kiện hiện nay là vượt quá khả năng của các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài không mấy hào hứng vì giá điện chưa đủ hấp dẫn. Đó là chưa kể những vướng mắc về chính sách. Báo cáo lập dự án yêu cầu phải xác định rõ nguồn vốn trước khi khởi công, trong khi các ngân hàng lại yêu cầu phải có dự án rõ ràng mới có thể thỏa thuận vốn vay… Hiện nay, một số đường dây truyền tải 500-220kV đồng bộ với các nhà máy điện độc lập đã được lên kế hoạch đầu tư nhưng không xây dựng được, vì thiếu vốn dẫn đến nguy cơ không bảo đảm tiến độ.
Bộ Công thương cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư, mấu chốt vẫn là giải quyết vấn đề giá điện. Trong TSĐ VII, Chính phủ đã chủ trương tới năm 2020 sẽ điều chỉnh giá điện ở mức 8-9 cent/kWh. Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ ban hành các cơ chế đặc thù cho các dự án cấp bách trong TSĐ VII, như cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt các hạn chế tín dụng 15% vốn tự có của ngân hàng với một khách hàng, vượt 25% với một nhóm khách hàng. Cho phép bảo lãnh vay vốn không bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu tài chính của chủ đầu tư, cho phép miễn thẩm định hiệu quả kinh tế của từng dự án riêng lẻ với các dự án xây dựng lưới truyền tải. Đồng thời cần có cơ chế để địa phương vào cuộc giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Về những vướng mắc trong chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu đối với các dự án điện cấp bách, đề nghị cho phép chủ đầu tư được chỉ định đơn vị tư vấn, được đàm phán trực tiếp với nhà thầu đã thực hiện dự án có cùng công nghệ trước đó…
Ngoài ra, để bảo đảm vận hành tốt các dự án, cần có sự ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan. Đó là, EVN phải đầu tư lưới truyền tải đồng bộ với tiến độ dự án nguồn, thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án nguồn. PVN và Vinacomin phải bảo đảm cung cấp đủ khí và than cho các dự án nguồn điện cấp bách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn vốn ODA và các nguồn vốn song phương cho các dự án điện trong TSĐ VII...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.