(HNM) - Chưa đầy nửa tháng kể từ ngày UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4520/QĐ-UBND về giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn (áp dụng kể từ ngày 29-9-2011) đã có tình trạng áp dụng không thống nhất. Điều này cho thấy, cây gậy pháp lý 4520 không chấm dứt được tình trạng loạn giá.
"Ăn theo" văn bản nói trên của UBND TP Hà Nội, ngày 30-9, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội (Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị) đã có văn bản thông báo đến toàn thể các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đang sinh sống tại các tòa nhà E3, F4, F5, G3CD Khu đô thị mới Yên Hòa mức giá dịch vụ mới, cao gần hoặc gấp đôi, gấp 3 giá cũ. Phí dịch vụ đối với các hộ sử dụng nhà để ở áp theo giá trần UBND TP là 4.000 đồng/m2/tháng. Đối với các hộ sử dụng căn hộ để kinh doanh là 4.800 đồng/m2/tháng.
Trước đòi hỏi vô lý này, nhiều người dân ở khu F5 Yên Hòa cho biết, họ sẽ không đóng tiền dịch vụ theo mức phí mới, vì mức phí không tỷ lệ thuận với chất lượng dịch vụ, lại không đúng với tinh thần công văn 4520. Theo quy định tại công văn 4520, mức phí chung cư cao nhất 4.000 đồng/m2/tháng bao gồm các phần việc từ quét dọn vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà (1 ngày/lần); quản lý vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà; thay, rửa bể nước bảo đảm vệ sinh 6 tháng/lần. Ngoài ra, việc bảo vệ an ninh, trật tự trong và ngoài tòa nhà... đến tổ chức phun thuốc diệt côn trùng (1 năm/lần); chăm sóc cây xanh, thảm cỏ thuộc khuôn viên chung cư; cử lễ tân trực theo giờ hành chính; tổ chức diễn tập an toàn chống cháy nổ... cũng phải thực hiện theo định kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, khu F5 không có nhân viên lễ tân trong giờ hành chính; không được quét dọn 1 ngày/lần, không được phun thuốc diệt côn trùng. Nhiều cửa kính ở hành lang công cộng đã vỡ hơn 1 năm nhưng không được thay thế; hệ thống thoát nước các tầng chưa tốt, trời mưa to nước tràn vào hành lang chung…
Thành phố Hà Nội hiện có gần 100 chung cư và với xu hướng đô thị hóa, con số này sẽ không ngừng tăng lên. Theo quy định của UBND TP, giá dịch vụ chung cư của từng tòa nhà cụ thể phải căn cứ theo đặc thù (từ nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà, từ thỏa thuận của các bên liên quan hoặc từ điều kiện hạ tầng, môi trường...) để xác định cho phù hợp. Chỉ khi giữa chủ đầu tư và người dân không đồng thuận về phí dịch vụ mới áp theo công văn 4520 để thực hiện. Song công văn 4520 lại không phân định rạch ròi nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà. Mức giá theo công văn 4520 có thể làm "giảm nhiệt" tại một số chung cư, đô thị cao cấp, nhưng lại đang gây áp lực lên phần lớn các khu chung cư bình dân, người thu nhập thấp.
Tranh cãi về vấn đề này chưa có hồi kết nếu UBND TP Hà Nội không sớm có văn bản quy định cụ thể hóa các nội dung trong công văn 4520.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.