(HNM) - Ra đời chưa được bao lâu nhưng Dự án
Tặng vải cho Trạm y tế xã Vĩnh Sơn (tỉnh Bình Định). |
Không gian bừng sáng...
Quàng Thị Thu (25 tuổi, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) giọng đầy phấn khích cho biết qua điện thoại: “Anh chị về xem đi. Khăn, rèm, ga giường… được trang bị cho trạm y tế đã làm sáng bừng cả không gian nơi đây, nhìn thích mắt lắm. Với vải còn thừa, chúng em may thêm đồ quấn ổ, tã lót cho trẻ sơ sinh... Giờ thì các bé có đồ dùng riêng rồi, không còn phải quấn bằng quần áo của cha mẹ nữa. Tiện nghi này nhờ cả vào Vải cho cuộc sống đó ạ!”.
Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) Nguyễn Thị Kim Thoa lại có cách bày tỏ sự cảm kích khác, thông qua những hình ảnh sinh động và lời nhắn trên mạng xã hội của chương trình: "Cảm ơn Vải cho cuộc sống đã đến đúng thời điểm chúng tôi đang thiếu hụt những vật tư tối thiểu này. Nhờ sự xuất hiện kịp thời của các bạn mà phòng khám, phòng hộ sinh, phòng điều trị phục vụ người bệnh ở các vùng khó khăn của huyện đã được trang bị đầy đủ vải y tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu khi thăm khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc miền núi, đồng thời giảm đáng kể những thiệt hại có thể xảy đến khi cơ sở y tế thiếu những vật dụng cần thiết đó”.
Lời tâm sự mộc mạc, chân thành từ các điểm nhận hỗ trợ vải tái chế thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về Vải cho cuộc sống - một chương trình từ thiện xã hội tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tạo ấn tượng tốt đẹp ở những nơi dự án dừng chân. Đinh Phương Nga, điều phối viên chương trình Vải cho cuộc sống phác họa cho những người tò mò muốn tìm hiểu về dự án: Trung bình mỗi năm, các khách sạn, resort… trên cả nước thải ra hàng tấn vải vốn là vỏ gối, chăn, ga trải giường không còn đủ tiêu chuẩn “như mới” mà họ đang áp dụng. Số vải này hoàn toàn có thể được tái chế thành những sản phẩm hữu dụng nhưng đang được xếp vào kho để chờ tiêu hủy.
Trong khi đó, ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, sự thiếu thốn đang khiến người dân phải sống trong điều kiện thiếu tiện nghi, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh mạng: Trẻ đi học thiếu cặp sách, đồng phục; bé sơ sinh không có tã lót; sản phụ thiếu săng, ga… Vải cho cuộc sống ra đời nhằm hóa giải những bất cập ấy với mong muốn mang lại giá trị mới cho những sản phẩm cũ, giúp người dân cải thiện cuộc sống đồng thời góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Đây là ý tưởng của Tập đoàn Sealead Air, đã được triển khai ở nhiều quốc gia với sự tham gia của hàng trăm tập đoàn khách sạn lớn. Cuối năm 2016, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số chính thức khởi động chương trình tại Việt Nam với điểm đến đầu tiên là các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, những nơi “khát” vật dụng y tế tới mức chấp nhận sử dụng những tấm khăn không bảo đảm vệ sinh hết năm này qua năm khác.
Giá trị mới cho sản phẩm cũ
Để hiện thực hóa ý tưởng của Vải cho cuộc sống, việc đầu tiên và cũng là thách thức lớn đối với các tình nguyện viên chương trình là vận động các khách sạn, resort bắt tay cùng dự án, từ đó làm giảm gánh nặng rác thải. Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số Phạm Vũ Thiên chia sẻ: “Rõ ràng là việc tiêu hủy hoặc tìm nguồn bán lại số vải không sử dụng sẽ giúp khách sạn tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc hỗ trợ Vải cho cuộc sống - từ xử lý nguyên liệu vải đến tẩy, hấp, giặt là… và hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe ý kiến của các tình nguyện viên, nhất là thấy được giá trị, hiệu quả chương trình mang lại, các đơn vị đã tham gia một cách tích cực”.
Ngay ngày đầu khởi động chương trình, Novotel Nha Trang đã cung cấp cho dự án hơn 2.500 sản phẩm vải đã qua xử lý để chuyển cho một số trạm y tế tại tỉnh Khánh Hòa. Một số khách sạn khác ở Hà Nội như Hilton, Pullman… tổ chức các buổi tái chế sản phẩm ngay trong khuôn viên khách sạn, coi đó như một hoạt động ngoại khóa dành cho nhân viên. Tổng Giám đốc Hilton Hanoi Opera và Hilton Garden Inn Hanoi Andrew Nisbet cho biết: "Ngoài công việc kinh doanh, Hilton mong muốn tạo tác động tích cực cho cộng đồng. Dự án Vải cho cuộc sống giúp bảo vệ môi trường, và quan trọng hơn, mang đến cho chúng tôi cơ hội được chung tay giúp đỡ những cộng đồng kém may mắn trong xã hội. Chúng tôi hy vọng được tham gia nhiều dự án ý nghĩa như thế này trong tương lai”.
Những sản phẩm tái chế, sau khi được xử lý, sẽ theo chân tình nguyện viên về các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, rồi tùy theo nhu cầu của từng nơi để may thành các vật dụng khác nhau, như lời điều phối viên Đinh Phương Nga bộc bạch: "Trong một chuyến đi về huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định, với gần 700 chi tiết vải, chúng em cùng các tình nguyện viên tại địa phương đã tái chế được hơn 200 vỏ gối, 40 ga giường, 10 vỏ chăn lớn. Những sản phẩm này được gửi tặng cho Khoa Sản, Nhi thuộc bệnh viện huyện, các trạm y tế và hộ nghèo ở xã Vĩnh Sơn. Nhận những vật dụng mà gia đình và bản thân còn thiếu, người dân địa phương rất vui mừng. Niềm vui của đồng bào đã xóa tan mệt mỏi sau những chặng đường dài và những ngày dốc sức hoàn thành sản phẩm, thôi thúc chúng em tiếp tục theo đuổi phần việc ý nghĩa này”.
Thay vì nằm trong kho chờ tiêu hủy, giờ đây, nhờ tình yêu và trách nhiệm với cộng đồng của các bạn trẻ thuộc Dự án Vải cho cuộc sống, những sản phẩm đã qua sử dụng có cơ hội tái sinh, tiếp tục trở thành một phần ý nghĩa của cuộc sống. Từ việc cung cấp nguyên liệu vải tái chế cho các cơ sở y tế, Vải cho cuộc sống sẽ tiếp tục mở rộng việc cung cấp sản phẩm tới trẻ em nghèo, bệnh nhi khó khăn hay đồng bào tại những bản làng xa xôi. Ông Phạm Vũ Thiên bày tỏ: "Nhiệm vụ của chúng tôi là nỗ lực hết sức để phần nào đem đến những thay đổi tích cực cho người dân, dù chỉ đơn giản, nhỏ bé như có một tấm chăn mỏng, miếng ga trải giường bệnh nhân hay áo đồng phục cho trẻ. Với ý nghĩa đó, Vải cho cuộc sống sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh mang lại niềm vui, niềm tin cho cộng đồng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.