Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi tình yêu vượt lên mọi nghịch cảnh

Linh Chi| 28/06/2016 13:43

(HNMO) - Thời nay, khi nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền trở thành nỗi ám ảnh của quá nhiều người thì ở nơi xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận lâu năm, người ta vẫn quen thuộc với vài cặp vợ chồng chăm sóc nhau, dìu dắt nhau mà vượt qua nỗi đau của bệnh tật.

Xóm Cột Cờ nằm sâu trong ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội lâu nay thường được gọi bằng cái tên rất đặc thù “Xóm chạy thận”. Đây là nơi sinh sống của hơn 100 người nghèo, bệnh nặng từ các vùng quê khác nhau lên bệnh viện Bạch Mai chữa trị. Trong con xóm nhỏ đó, mỗi nhà một hoàn cảnh, một số phận nhưng điều khiến người ta phải đau đáu suy nghĩ đó là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những người cùng chung cảnh ngộ và hơn hết là tình cảm gia đình nồng ấm.


Chúng tôi được giới thiệu đến căn nhà nhỏ nằm sâu tít bên trong ngõ, nơi sinh sống của cặp vợ chồng già đã cùng nhau trải qua gần 60 năm “góp gạo thổi cơm chung”. Ở cái tuổi 80, đáng lẽ phải được sống những ngày quây quần hạnh phúc bên con cháu thì bà Đinh Thị Lệ lại phải tạm rời xa quê và "chiến đấu" với bệnh thận hơn 7 năm nay. Luôn đồng hành cùng bà trên từng bước đường chạy chữa, xuôi ngược qua các bệnh viện, nhà trọ là người chồng tần tảo năm nay cũng bước sang tuổi 85. Căn nhà trọ hai ông bà ở không có gì giá trị ngoài hai chiếc quạt máy. Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra trong căn nhà rộng chưa đầy 10m2. Những hôm trời nắng đỉnh điểm chỉ còn cách tạt nước vào nhà rồi bật quạt cho mát mẻ; còn những ngày trời mưa giông bão thì ngôi nhà nhỏ lại thêm phần lụp xụp và ẩm thấp.

Những vật dụng đơn sơ của đôi vợ chồng già


Điều kiện ăn ở hạn hẹp là thế, chưa kể những nỗi lo bệnh tật trái nắng trở trời nhưng khi tiếp xúc, chúng tôi luôn thấy được sự lạc quan, nụ cười hiền và sự quan tâm hết mực của ông Nguyễn Hồng Sơn đối với người vợ đang héo mòn từng ngày vì bệnh tật. “Chúng tôi lấy nhau từ năm 1960. Là người cùng làng, bố mẹ đặt đâu thì ngồi đấy thôi. Ngày ấy thời bao cấp khó khăn lắm còn sống với nhau được nữa là bây giờ, tuổi già, gần đất xa trời thì có lý gì vì bệnh tật mà lại bỏ nhau” - Đó là câu trả lời mộc mạc mà ông Sơn chia sẻ khi được hỏi về suy nghĩ đối với cuộc sống vợ chồng.

“Chúng tôi có với nhau bốn mặt con, chúng nó đều có gia đình cả rồi nên bà ốm thì ông chăm cũng là lẽ thường. Mà ở bên tận tay chăm sóc bà ấy tôi mới yên tâm”, ông nói. Hoàn cảnh gia đình cũng có phần khó khăn vì lương hưu của ông chỉ đủ tiền thuê nhà, tất cả việc chữa bệnh, thuốc thang của bà phải trông chờ vào đóng góp của con cái, làng xóm và bảo hiểm y tế. Khó khăn thì muôn phần nhưng người chồng già vẫn hàng ngày tần tảo giúp đỡ vợ việc bếp núc, giặt giũ…

Bà nói: “Ông nấu cơm cũng được, tôi cũng cố ăn vì không ăn không có sức mà lọc máu”. Ngoài những ngày tụt huyết áp, bệnh tình tái phát thì ông bà vẫn sống với nhau như những đôi vợ chồng lâu năm khác. Bên cạnh nỗi lo, ông vẫn tìm cho mình thú vui là ra đầu ngõ uống trà, nói chuyện với bạn bè cùng xóm để giải tỏa.

Nói về hạnh phúc vợ chồng, ông bà chỉ đúc kết đơn giản ở hai chữ nhường nhịn. “Quan trọng là vợ chồng sống với nhau đừng có chấp nhặt, để ý chuyện đã qua. Vì thế mà chúng tôi sống với nhau gần 60 năm rồi”, bà vừa nói vừa cười hạnh phúc.

Tình cảm của đôi vợ chồng đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" vẫn còn vẹn nguyên


Ngoài tình yêu, sống với nhau phải cần cái nghĩa

Gặp gỡ gia đình ông Lê Hữu Dũng và bà Hoàng Thị Tư mới thấy rằng tình cảm gia đình không chỉ cần được bồi đắp bởi tình nghĩa mà còn bởi trách nhiệm. Lấy nhau từ năm 1982, vợ chồng ông Dũng đã có với nhau ba người con nay đã yên bề gia thất. Những tưởng cuộc sống của người thương binh hạng 3/4 với thương tật 60% cứ thế yên bình ở nơi làng quê Tản Lĩnh, Ba Vì thì vợ ông đột nhiên phát hiện ra bệnh thận.

Ông Dũng bùi ngùi nhớ lại: “Lúc ấy mọi ước mơ của tôi dường như tan tành hết, lo cho con cái ăn học rồi lấy vợ lấy chồng, tôi còn nhiều dự định ấp ủ sẽ thực hiện lúc về già lắm. Nhưng bà ấy bị bệnh, tôi bỏ hết, không suy nghĩ gì ngoài việc làm thế nào để bà ấy sống được, đó mới là điều quan trọng nhất”.

Gia đình cũng chả có gì nên việc chạy chữa cho vợ lại một tay ông Dũng lo lắng, trải qua hết các việc từ làm thuê, xe ôm, cho đến chăm người bệnh ốm để có tiền cho vợ vào viện chạy thận và chi trả tiền thuốc men. Có những ngày khó khăn, người đàn ông này cũng chấp nhận ăn mỳ liên tục để vợ có bữa cơm đầy đặn. “Tôi có mỳ tôm là đủ sống cả tuần rồi, cứ trữ sẵn hẳn một gói to trong tủ này, lúc thiếu quá thì lấy ra ăn trừ bữa. Nhưng vợ thì phải ăn cơm mới khỏe được”. Cuộc sống khó khăn ấy cứ thế trôi qua đã 8 năm trời. Nếu không phải vì tình nghĩa thì những con người này không thể sống với nhau, cưu mang nhau cho đến tận bây giờ.


Nói về hạnh phúc gia đình, ông Dũng chia sẻ điều quan trọng nhất là phải hiểu nhau: “Nhiều hôm, sáng ra mệt quá bà ấy bỏ ăn, tôi hỏi ăn gì cũng không nói nhưng tôi biết chắc là trưa bà ấy sẽ thèm ăn món này món nọ nên lại lọ mọ đi mua. Lúc nào cũng đúng ý bà ấy”. Nói đến đây trên gương mặt ông cũng thoáng chút tự hào. Bởi chăm người ốm không chỉ hao tiền tốn sức mà tâm lý lúc nào cũng phải vững vàng, người bệnh luôn cần được hỏi han, quan tâm và thấu hiểu nên có những thứ chỉ có mối quan hệ gần gũi như sợ dây liên kết giữa vợ và chồng mới giải quyết được.


Một góc nhỏ trong phòng trở thành căn bếp nơi ông Dũng vẫn hàng ngày nấu ăn cho vợ


Đôi khi khó khăn cũng làm người trụ cột gia đình nản lòng nhưng chưa bao giờ vì quá mệt mỏi mà ông có ý định bỏ người đầu ấp tay gối với mình bao nhiêu năm trời. “Tôi chưa bao giờ hối hận về cuộc hôn nhân của mình. Nếu thời gian quay ngược trở lại, tôi vẫn chọn bà ấy - người duy nhất chấp nhận lấy tôi ngay cả khi biết tôi là thương binh. Đấy là cái tình của con người”.

Ông Dũng còn hào hứng chia sẻ với chúng tôi cuốn sổ nhỏ mà ông gìn giữ như một báu vật. “Trong này là tất cả tâm sự và những gì riêng tư nhất, đáng trân trọng nhất trong cuộc đời tôi. Có lần các con tôi tình cờ đọc được bài thơ tôi viết tặng vợ vào dịp 20 Tết, trong khi chờ bà ấy chữa bệnh. Lúc vợ tôi xem, bà ấy cứ cười mãi. Vậy mà không hiểu sao các con tôi đọc xong đều bật khóc nức nở”.



Những trang viết được ông Dũng gìn giữ như báu vật


Qua lời chia sẻ rất chân thật, rất thẳng thắn của những con người khốn khổ vì bệnh tật, vì hoàn cảnh éo le, người ta mới thấu được rằng để vượt qua lúc đau ốm, không chỉ cần thuốc thang và khoa học công nghệ mà sâu xa vẫn là sự sẻ chia, ân cần và chăm sóc hết lòng của những người đã đi cùng nhau gần hết cuộc đời.

Xin dùng những câu thơ mà ông Dũng dành tặng người vợ thân yêu thay cho lời kết:

“Chiều cuối năm người đi tấp nập

Mọi người dồn dập đón xuân sang

Muôn vạn người họ đâu có biết

Đôi bạn già có Tết hay không?”

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi tình yêu vượt lên mọi nghịch cảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.